Hạn mức huy động vốn của chính quyền địa phương 
(Chinhphu.vn) – Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế huy động vốn của chính quyền địa phương. Dự thảo nêu rõ hạn mức huy động vốn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Ảnh minh họa
 
Theo dự thảo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh huy động vốn khi có nhu cầu đầu tư nhưng phải đảm bảo việc huy động vốn theo quy định của pháp luật, sử dụng vốn đúng mục đích và có nguồn trả nợ gốc, lãi đến hạn.

Hạn mức huy động vốn tối đa trong một năm ngân sách của chính quyền địa phương được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Khối lượng vốn huy động (dư nợ huy động vốn) phải đảm bảo không vượt quá 30% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh.
 
Dự thảo nêu rõ, riêng đối với Thành phố Hà Nội, mức dư nợ không được vượt quá 100% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp thành phố, theo quy định tại Nghị định số 123/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/5/2004 quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù của Thủ đô Hà Nội và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, mức dư nợ không được vượt quá 150% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp thành phố theo quy định tại Nghị định số 61/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/6/2014 quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Theo dự thảo, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh để làm căn cứ xác định hạn mức huy động vốn tối đa của chính quyền địa phương bao gồm các khoản mục sau: 1- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong nước; 2- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn thu tiền sử dụng đất; 3- Các nguồn bổ sung có mục tiêu về đầu tư xây dựng cơ bản có tính chất ổn định từ ngân sách trung ương (nếu có), cụ thể là các nguồn được bố trí trong tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ 2 năm trở lên; 4- Nguồn thu xổ số kiến thiết (nếu có).
 
Hạn mức huy động vốn còn lại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xác định như sau:
 
Hạn mức huy động vốn còn lại
=
Hạn mức huy động vốn tối đa
-
Dư nợ tính trong hạn mức huy động vốn tại thời điểm báo cáo
 
Theo dự thảo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được huy động vốn theo các phương thức như: Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; vay vốn các tổ chức tín dụng; vay lại Bộ Tài chính từ các nguồn vay nước ngoài;  tạm ứng tồn ngân Kho bạc nhà nước; vay Ngân hàng phát triển. Dự thảo cũng nêu rõ quy trình thủ tục đối với các phương thức huy động vốn trên.
 
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
 
 
Tuệ Văn
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An