Nông thôn mới: Khó khăn trong tiêu chí môi trường 

(Chinhphu.vn) - Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đặt mục tiêu đến hết năm 2015, tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường là 37,7%. Tuy nhiên, đây là 1 trong 2 tiêu chí có tỷ lệ đạt thấp nhất (27% xã đạt) trong 19 tiêu chí NTM.

Một miền quê rợp bóng cây xanh. Ảnh: VGP
Tiêu chí môi trường gồm 5 chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.
Trong quá trình thực hiện tiêu chí này, hầu hết các địa phương đều phản ánh gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thiếu nguồn lực hay thiếu quyết tâm?
Thiếu kinh phí khiến tiến độ triển khai công tác quy hoạch ở nhiều xã còn chậm. Nguồn ngân sách hỗ trợ cho các địa phương còn thấp, chưa tương xứng với nội dung tiêu chí. Mặt khác, chế độ thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác cho xây dựng NTM nói chung, tiêu chí về môi trường nói riêng chưa phù hợp nên không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Một trong những bất cập phổ biến là hệ thống thoát nước thải tại khu vực nông thôn chưa được chú trọng đầu tư. Hầu hết nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề đều đổ trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất hoặc chảy vào ao, hồ, sông, suối... vừa gây mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, việc quy hoạch và xây dựng chợ tại nhiều địa phương không gắn với việc xử lý rác thải. Sau mỗi phiên chợ, rác do người dân vứt bừa bãi ven đường hoặc tràn xuống các dòng sông.
Xét tổng thể trong bộ tiêu chí về NTM sau hơn 4 năm triển khai xây dựng, môi trường là một trong những tiêu chí mà hầu hết các địa phương hiện đang đạt rất thấp. Điều đáng nói là tiêu chí này được xếp vào trong nhóm cần ít nguồn lực.
Tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2009 xã đã hỗ trợ xây dựng công trình cung cấp nước sạch tập trung phục vụ sinh hoạt cho hơn 5.500 hộ dân với tổng mức đầu tư trên 7 tỷ đồng. Nhưng sau nhiều năm hoàn thành, các công trình vẫn “đắp chiếu” bởi nhiều lý do khác nhau. Trong khi đó, người dân vẫn trung thành với những ao nước quanh làng.
Ông Nguyễn Đình Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Long cho biết, bên cạnh khó khăn trong việc đưa nước sạch đến dân, việc thực hiện chỉ tiêu về quy hoạch nghĩa trang ở Thạch Long cũng đối mặt với không ít thử thách. Theo quy định, nghĩa trang phải được quy hoạch tập trung và đảm bảo về kiểu dáng, kích thước…
Tuy nhiên, thống kê cho thấy trên địa bàn xã đang tồn tại rất nhiều nghĩa trang nhỏ lẻ nằm rải rác tại các khu dân cư. Tình trạng mạnh ai nấy làm trong xây dựng nghĩa trang cũng là thực trạng chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Không có quy hoạch rõ ràng, xây dựng thiếu hợp lý, hàng trăm nghĩa trang vẫn nằm rải rác trong các khu dân cư, giữa những cánh đồng…
Thực tế, câu chuyện về nghĩa trang là vướng mắc khá điển hình trong việc xây dựng NTM tại nhiều địa phương. Nhiều địa phương cho biết việc hoàn thành chỉ tiêu này còn khó khăn bởi chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế, chính sách.
Ngoài những vấn đề về thói quen, tập tục, nhiều nơi dù đã có quy hoạch nghĩa trang nhưng thiếu sự quan tâm tới diện tích cây xanh, các công trình phụ trợ, mỹ quan... nên việc quy tập cũng trở nên khó khăn.
Gỡ từ cơ chế…
Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, môi trường nông thôn đang là vấn đề rất bức xúc hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân cũng như mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sạch và xây dựng NTM.
Nhằm cải thiện môi trường sống, Ban Chỉ đạo đặt mục tiêu đến hết năm 2015, tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường là 37,7% và đến năm 2020 đạt 70%. Để đạt được tiêu chí này, theo ông Nam, nhiệm vụ trong thời gian tới của các địa phương là tập trung giải quyết vấn đề bức xúc về môi trường nông thôn trong quá trình phát triển sản xuất và công nghiệp hóa.
Trong đó đặc biệt chú ý tới cấp nước sạch nông thôn, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất và xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, ưu tiên cho khu vực đông dân ở đồng bằng, ven đô thị.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn triển khai một số hoạt động bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.
Theo đó, việc xử lý nước thải phải phù hợp với điều kiện các vùng nông thôn, cần sử dụng công nghệ đơn giản có chi phí đầu tư, vận hành và bảo dưỡng thấp, dễ thực hiện.
Đối với quản lý, cải tạo nghĩa trang, UBND cấp xã có trách nhiệm vận động, hướng dẫn người dân thực hiện chôn cất tập trung trong nghĩa trang theo quy hoạch, khuyến khích người dân hỏa táng.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là cải tạo, xây dựng ao hồ sinh thái và phát triển cây xanh. Theo đó, hệ thống cây xanh trong các xã NTM phải đảm bảo diện tích bằng hoặc lớn hơn 2 m2/người…
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến nay, Chương trình này đã nâng cấp được hơn 1.000 công trình nước sạch tập trung, 500 bãi thu gom rác thải, 1.200 cống rãnh thoát nước thải vệ sinh. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85%.
Một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo, thông qua việc tuyên truyền, vận động và nâng cao ý thức của người dân đã góp phần không nhỏ trong xử lý ô nhiễm, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho môi trường nông thôn như Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai... Điểm chung nhất của những địa phương này là luôn có những cán bộ nhiệt tình, gần dân và mong mỏi nhìn thấy những làng bản sạch, đẹp, đổi đời từ NTM.
 
 
 
Đỗ Hương
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An