Cần nâng cao ý chí ưu tiên hàng Việt của chủ đầu tư 

“Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu đã làm rất tốt việc ưu tiên, hỗ trợ cho doanh nghiệp và hàng hóa sản xuất trong nước. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào những người thực hiện có muốn hàng Việt ngày càng xuất hiện nhiều trong các gói thầu sử dụng ngân sách hay không”. Trên đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại Hội thảo “Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 16/7, tại TP.HCM.

IMG
Những ưu tiên, ưu đãi của Luật Đấu thầu dành cho nhà thầu trong nước và hàng hóa sản xuất trong nước chính là chính sách thiết thực và hữu dụng nhất hỗ trợ cho các nhà thầu Việt trong thời điểm hiện tại
 Ảnh: Tất Tiên
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá, tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước và Chỉ thị số 21/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc thực hiện các biện pháp tăng cường sử dụng thiết bị, máy móc, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu.
 
Nhà thầu nội đánh giá cao Luật Đấu thầu
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhận xét, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đã đưa ra các quy định chặt chẽ trong công tác đấu thầu sử dụng vốn nhà nước, tạo điều kiện ưu đãi tối đa cho nhà thầu trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước, lao động trong nước. Điều này được thể hiện rõ tại Điều 14 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Mục 3 Chương I của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. 
 
Cũng theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP đã ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu, đặc biệt nhà thầu là các doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ. Các nội dung ưu đãi, cách tính ưu đãi chi tiết đã được đưa vào mẫu hồ sơ mời thầu (mua sắm hàng hoá, xây lắp, tuyển chọn tư vấn).
 
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về sự thúc đẩy sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được. Ông Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Công ty CP Điện Trường Giang cho biết: “Các điều kiện ưu đãi trong đấu thầu dành cho các doanh nghiệp trong nước phần nào đã có những tác động tích cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã có sản phẩm trong Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được, có cở sở thuận lợi hơn khi tham gia đấu thầu bán các sản phẩm của mình trong các dự án có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và xã hội”. 
 
Chia sẻ vấn đề này, ông Đinh Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty Cơ điện lạnh Bách Khoa bày tỏ: “Những ưu tiên, ưu đãi của Luật Đấu thầu dành cho nhà thầu trong nước và hàng hóa sản xuất trong nước chính là chính sách thiết thực và hữu dụng nhất hỗ trợ cho các nhà thầu Việt trong thời điểm hiện tại”. 
 
Cần nâng cao năng lực và ý chí ưu tiên hàng Việt của chủ đầu tư 
Theo phân tích của các chuyên gia tại Hội thảo, nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng Việt đang bị gạt ra khỏi các gói thầu sử dụng ngân sách chủ yếu do chủ quan từ chính các chủ đầu tư dự án. Ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương chỉ rõ: “Hàng Việt chưa có cơ hội tham gia vào các gói thầu sử dụng ngân sách có nguyên nhân từ năng lực còn hạn chế của các chủ đầu tư dự án. Thực tế cho thấy, năng lực nhiều chủ đầu tư chưa tương xứng với các dự án lớn, đặc biệt là các gói thầu cung cấp thiết bị, các gói thầu có giá trị lớn, gói thầu EPC, gói thầu trọn bộ công nghệ... để có khả năng chia nhỏ các gói thầu thành các gói thầu thiết bị trong nước, thiết bị nhập khẩu. Chủ đầu tư cũng chưa phát huy vai trò trong công tác tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước trong công tác đấu thầu”. 
 
Ông Huỳnh Đắc Thắng phân tích thêm: “Các chủ đầu tư được giao sử dụng ngân sách khi đấu thầu còn ít quan tâm đến các thông tin về Danh mục các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được của Bộ Công Thương ban hành và danh sách các doanh nghiệp sản xuất được các mặt hàng theo Danh mục này. Nhận thức về công tác thúc đẩy sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu chưa được quán triệt đầy đủ và thống nhất giữa người sử dụng và cung cấp hàng hóa. Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đấu thầu có tâm lý sính ngoại cao, coi thiết bị nhập ngoại luôn luôn tốt hơn hàng sản xuất trong nước”.
 
Ông Đinh Văn Thành, Giám đốc Công ty Cơ điện lạnh Bách Khoa thì cho rằng, do sự phối hợp giữa các bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương, giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, nên chưa phát huy được việc sử dụng hàng hóa, vật tư trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu. “Điều này dẫn đến tình trạng, Luật Đấu thầu và các quy định được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành đã bị hiểu sai, hiểu méo mó, mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có, khiến nhà thầu Việt thiệt đơn, thiệt kép”, ông Đinh Văn Thành nêu quan điểm.
 
Tại Hội thảo, chỉ rõ nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của các nhà thầu trong nước còn hạn chế so với nhà thầu nước ngoài, một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, vốn và trang thiết bị máy móc được xem là bằng chứng cho năng lực doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, ngoại trừ một số doanh nghiệp trong nước dẫn đầu ngành công nghiệp hỗ trợ, hầu hết các doanh nghiệp còn lại là ở quy mô nhỏ và vừa, nguồn vốn hạn chế, nên trang thiết bị lạc hậu, năng lực thua hẳn các nhà thầu nước ngoài khi đấu thầu. Vì vậy, các dự án khi đấu thầu quốc tế thường rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài, đặc biệt là các nhà thầu đến từ Trung Quốc và Thái Lan. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước cần có sự liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, công nghệ để tăng sức cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
 
 
 
V.Huyền
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An