Thay đổi tư duy, nhận thức và hành động về PPP 

Thông điệp trên được ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp tục khẳng định tại Khóa đào tạo về đối tác công tư (PPP) do Bộ KH&ĐT phối hợp với Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) tổ chức trong 2 ngày (18 -19/8), tại Hà Nội.

IMG
Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc triển khai các dự án PPP cụ thể sẽ là bài học quý giúp Việt Nam thực hiện thành công các dự án PPP đúng tiêu chuẩn quốc tế và đạt hiệu quả thiết thực
 Ảnh: Lê Tiên
Tháo “điểm nghẽn” trong nhận thức về PPP 
Theo ông Lê Văn Tăng, nhu cầu về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam hàng năm là rất lớn, khả năng cân đối nguồn lực trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước có giới hạn, việc huy động nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư phát triển được coi là rất cần thiết. Đáp ứng yêu cầu này, ngay từ đầu năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức PPP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Cặp nghị định này là cơ sở pháp lý hoàn chỉnh ban đầu cho việc thúc đẩy triển khai các dự án PPP tại Việt Nam. Mặc dù vậy, đến nay việc triển khai các dự án PPP “vẫn còn nhiều vấn đề” hoặc “chậm trễ” hoặc “chưa được quan tâm đúng mức”… Do đó, việc thay đổi tư duy, nhận thức và hành động về PPP cần phải nỗ lực rất nhiều.
 
Nhấn mạnh điều này, trong bài phát biểu khai mạc Khóa đào tạo, ông Lê Văn Tăng nhấn mạnh, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai dự án PPP. Tính đến năm 2014, Hàn Quốc đã có 662 dự án PPP, trong đó có rất nhiều dự án mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nước này trong thời gian qua. Những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc triển khai các dự án cụ thể này sẽ là bài học quý giúp Việt Nam thực hiện thành công các dự án PPP đúng tiêu chuẩn quốc tế và đạt hiệu quả thiết thực.
 
Đồng quan điểm này, GS. Hyeon Park, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý đầu tư hạ tầng công tư thuộc KDI cho biết, vào những năm 80 và 90 của thế kỷ XX, Hàn Quốc chuyển sang thời kỳ cơ giới hóa. Số lượng phương tiện xe cơ giới đăng ký tăng hơn 8 lần (từ khoảng 240.000 xe vào năm 1980 lên 2.075.000 xe vào năm 1990), trong khi đó số km đường bộ gần như không thay đổi, dẫn đến tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng và tăng các chi phí liên quan. Lúc này, Hàn Quốc cần một khoản vốn lớn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để giải quyết nút thắt này. Đến năm 1994, Hàn Quốc đã ban hành Luật Khuyến khích vốn tư nhân vào đầu tư vốn xã hội (sau sửa đổi thành Luật Đối tác công - tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng) cho phép khu vực tư nhân tham gia góp vốn cùng khu vực công giải quyết những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông nước này. Đến nay, Hàn Quốc đã có hơn 600 dự án PPP được thực hiện với những thành công nhất định. 
 
GS. Hyeon Park chia sẻ, lúc đầu việc thực hiện các dự án PPP ở Hàn Quốc không hề thuận lợi. Nhiều cơ quan chức năng của Hàn Quốc tỏ ra không mặn mà với PPP do một phần đội ngũ cán bộ của họ chưa biết, chưa hiểu bản chất của PPP, một phần do một số định chế tài chính cũng không muốn tài trợ cho những dự án này vì thời gian thu hồi vốn lâu. Tuy nhiên, những trở ngại đó đều được loại bỏ do những lợi ích mà PPP mang lại như: linh hoạt về nguồn vốn tài chính, hiệu quả đầu tư, dịch vụ chất lượng và thúc đẩy cải cách khu vực công...
 
PPP – giải pháp thu hút tư nhân tham gia phát triển kinh tế
Chia sẻ kiến thức về PPP, GS. Eui Young Shon thuộc Trường Đại học Seoul (Hàn Quốc) – một trong những người kiến tạo PPP tại Hàn Quốc cho biết, PPP là hợp đồng dài hạn giữa khu vực tư và khu vực công nhằm cung cấp tài sản hoặc dịch vụ công. Theo đó, khu vực tư nhân đảm nhận các rủi ro chính và chịu trách nhiệm quản lý, thanh toán dựa trên chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Trên thực tế, dự án PPP được triển khai ở nhiều lĩnh vực kinh tế như: giao thông (đường bộ, đường sắt, tàu điện ngầm đô thị, sân bay); nước và nước thải (xử lý nước, hệ thống thoát nước, hệ thống quản lý rác thải); điện (phát điện, hệ thống truyền tải); hạ tầng xã hội và công trình của chính phủ (giáo dục, dịch vụ và công trình trường học; y tế và văn hóa; bệnh viện, cơ sở y tế, trung tâm văn hóa; nhà ở xã hội, trụ sở của Chính phủ). 
 
Theo GS. Eui Young Shon, mô hình đầu tư PPP trở nên phổ biến trên thế giới vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Thoạt nhìn, dự án PPP có những hiệu quả rất tốt, song nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả có thể gây nên gánh nặng tài khóa cho tương lai. Đề cập về hợp đồng PPP, GS. Eui Young Shon cho biết: “Hợp đồng PPP thường là những hợp đồng dài hạn dựa trên cơ chế thanh toán chủ yếu là thu phí người sử dụng (mô hình hợp đồng nhượng quyền BTO) hoặc cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư (PFI hoặc BTL). Do đó, việc đánh giá rủi ro cũng như cẩn trọng trong khâu chuẩn bị, thực hiện dự án là một trong những “chìa khóa” để dự án PPP thành công”. 
 
Cũng tại Khóa đào tạo, các chuyên gia của KDI nhấn mạnh, các lợi ích mà PPP mang lại là không hề nhỏ trong việc giảm áp lực về ngân sách cho chính phủ về đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng. Hơn nữa, việc triển khai những dự án PPP sẽ giúp chính phủ nâng cao hiệu quả về đầu tư; thúc đẩy cải cách khu vực công, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Dẫn chứng cho quan điểm này, GS. Hyeon Park cho biết: “Trong khoảng thời gian từ năm 1995 - 2007, việc khuyến khích triển khai các dự án PPP đã giúp Chính phủ Hàn Quốc giảm bớt gánh nặng tài chính đầu tư cho phát triển hạ tầng từ 4% đến 18,5%/năm”.
 
Nhằm cung cấp cho các cán bộ đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước đến từ Sở KH&ĐT của nhiều địa phương, các ban quản lý dự án… tham gia Khóa đào tạo có cái nhìn sâu sắc về PPP, trong khuôn khổ Khóa đào tạo, ông Lê Văn Tăng đã có bài trình bày “PPP – giải pháp thu hút đầu tư tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng”, trong đó nhấn mạnh 5 nội dung lõi của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về: phần vốn nhà nước trong dự án PPP; hợp đồng PPP; quy trình chuẩn bị, thực hiện dự án PPP; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; các giải pháp thúc đẩy, thu hút tư nhân. 
 
 
T. Hiếu
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An