Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (Luật Đấu thầu) được ban hành với tư cách là luật chung, pháp điển hóa các nội dung quy định về hoạt động đấu thầu, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng một lĩnh vực và bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý áp dụng đồng bộ, thống nhất chính sách đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Trường hợp dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thì hoạt động lựa chọn tổ chức,
cá nhân thực hiện công tác thẩm tra phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu
Ảnh: Tất Tiên
Tiếp theo Luật Đấu thầu, ngày 18/6/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 (Luật Xây dựng), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Để hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn, trong đó có Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định 59).
Theo quy định tại Nghị định 59 (Điều 10 Khoản 7 Điểm b và Điều 30 Khoản 2), trường hợp không đủ điều kiện thực hiện công tác thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư được yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực phù hợp đã đăng ký công khai thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng để chủ đầu tư ký kết hợp đồng thẩm tra phục vụ công tác thẩm định.
Liên quan đến việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thẩm tra, thời gian qua một số chủ đầu tư hiểu rằng, theo quy định tại Nghị định 59, khi nhận được yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc yêu cầu của người quyết định đầu tư thì chủ đầu tư được “Lựa chọn trực tiếp” tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để thực hiện công tác thẩm tra; trong trường hợp này, chủ đầu tư có quyền lựa chọn bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đó để thực hiện công tác thẩm tra mà không cần phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu, miễn sao tổ chức, cá nhân được lựa chọn phải đáp ứng điều kiện về năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng. Việc hiểu này là không đúng. Do đó, để việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra được thống nhất và chính xác, chúng ta hãy cùng phân tích trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Đấu thầu thì “thẩm tra” được xếp vào loại gói thầu dịch vụ tư vấn. Khi chủ đầu tư ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thẩm tra theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc theo yêu cầu của người quyết định đầu tư thì lúc này tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thẩm tra chính là nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 1 của Luật Đấu thầu thì hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn của các dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước (trong đó có vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của Luật Xây dựng) thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn thẩm tra là một hoạt động nằm trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình. Do đó, với các quy định nêu trên, trường hợp dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thì chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định hoạt động lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thẩm tra phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu.
Theo quy định tại Điều 7 của Luật Đấu thầu thì một trong các điều kiện để thực hiện lựa chọn nhà thầu là phải có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt. Theo đó, việc lựa chọn nhà thầu nói chung và việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra nói riêng theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc theo yêu cầu của người quyết định đầu tư chỉ được thực hiện sau khi có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt.
Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn thẩm tra có giá gói thầu không quá 500 triệu đồng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì chủ đầu tư có thể áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn. Khi đó, chủ đầu tư tiến hành lựa chọn một nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu để ký hợp đồng mà không cần phải phát hành hồ sơ yêu cầu (trong đó bao gồm yêu cầu về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và tài chính, thương mại) để nhà thầu làm hồ sơ đề xuất như đối với hình thức chỉ định thầu theo quy trình thông thường.
Tuy nhiên, chủ đầu tư cần lưu ý, trường hợp gói thầu tư vấn thẩm tra có giá gói thầu lớn hơn 500 triệu đồng và không thuộc một trong các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu quy định tại Điều 22 của Luật Đấu thầu thì phải áp dụng hình thức đấu thầu theo quy định.
Có lẽ, do việc áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn rất đơn giản, mất ít thời gian, chủ đầu tư được phép lựa chọn ngay một nhà thầu đáp ứng năng lực, kinh nghiệm để ký hợp đồng mà không phải tiến hành thông báo mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, đóng thầu, mở thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu… như đối với gói thầu phải tổ chức đấu thầu nên nhiều người lầm tưởng việc “Lựa chọn trực tiếp” theo quy định của Nghị định 59 là không phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Cần chú ý, theo quy định của Luật Đấu thầu, chỉ có hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện mà không có khái niệm “Lựa chọn trực tiếp” hay “Lựa chọn gián tiếp”. Không được hiểu “Lựa chọn trực tiếp” là “Chỉ định thầu”, mà phải hiểu “Lựa chọn trực tiếp” ở đây là cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc người quyết định đầu tư không trực tiếp lựa chọn tư vấn thẩm tra mà yêu cầu chủ đầu tư trực tiếp lựa chọn.
Qua phân tích nêu trên, chúng ta thấy rằng, các quy định về lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước đã rõ ràng, mạch lạc và chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn xuất hiện tình trạng cố ý viện dẫn Luật không đúng để áp dụng sai của một số chủ đầu tư trong việc trực tiếp lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc theo yêu cầu của người quyết định đầu tư, dẫn đến làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong đấu thầu.
Công tác lựa chọn nhà thầu xưa nay vẫn là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố nhạy cảm, có thể gây nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả đầu tư công, góp phần đưa Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật vào cuộc sống, đòi hỏi cái tâm và kiến thức của những người làm công tác đấu thầu. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh toán, quyết toán của cơ quan chức năng và kho bạc cũng cần tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.
Hoàng Cương
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An