TPP, cơ hội cải cách và sự đồng thuận 

(Chinhphu.vn) – Có thể nói, TPP đã nhận được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số các ý kiến tại Việt Nam. Vì đâu hiệp định thương mại tiêu chuẩn rất cao này lại nhận được sự đồng thuận như vậy trong một quốc gia được coi là nước kém phát triển nhất trong các nước tham gia TPP?

 

Ngay sau khi kết thúc đàm phán TPP, trong một động thái được dư luận hoan nghênh, Bộ Công Thương ngay lập tức đã công bố nội dung tóm tắt của Hiệp định. TPP đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, như một dấu mốc cho bước hội nhập sâu rộng chưa từng có của Việt Nam trong năm 2015.

Thật ra, ngay lúc vòng đàm phán cuối cùng đang diễn ra tại Mỹ, dư luận trong nước cũng đã trông đợi cuộc đàm phán sẽ “xuôi chèo mát mái”, khi truyền thông liên tục cập nhật những diễn biến liên quan. Nhiều người đã phân tích về những cơ hội lớn của Việt Nam trong xuất khẩu, thu hút đầu tư… nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội cải cách mới là cơ hội lớn nhất và quyết định của Việt Nam khi tham gia TPP.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, một nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhìn chung, doanh nghiệp trong nước ủng hộ mạnh mẽ việc gia nhập TPP với hơn 66% đồng tình. Chỉ có 1,5% doanh nghiệp thể hiện ý kiến phản đối.

Doanh nghiệp nhìn chung đều thể hiện thái độ tích cực về tác động của TPP trong các lĩnh vực thể chế, như mở cửa thị trường trong nước về đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, môi trường, lao động, và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tất cả các doanh nghiệp đều cho rằng nội dung cải cách doanh nghiệp nhà nước trong TPP có thể có những tác động tích cực nhất đối với hoạt động của doanh nghiệp. Theo VCCI, thực tế trên đây đã củng cố quan điểm cho rằng một trong những động lực chính để Việt Nam tham gia TPP là nhằm thúc đẩy các cam kết cải cách kinh tế trong nước.

Đúng như chia sẻ với báo chí của Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, khó khăn lớn với Việt Nam vẫn là sức ép cạnh tranh. Nhưng sức ép đó chính là một động lực để cải cách. Xét về dài hạn, vào TPP là bước ngoặt cho Việt Nam thay đổi cách thức phát triển, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, là động lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng chính là điều doanh nghiệp cần nhất từ Nhà nước khi hội nhập.

Những thông tin từ đoàn đàm phán cho biết mọi yếu tố đều đã được cân nhắc, tính toán hết sức kỹ lưỡng, bởi bên cạnh những lợi thế và cơ hội, còn có không ít lĩnh vực mà Việt Nam chịu bất lợi, chẳng hạn ngành chăn nuôi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu đoàn đàm phán của Việt Nam đặc biệt quan tâm tới những lợi ích nước nhà trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm mở thêm thị trường cho xuất khẩu nông sản; thực hiện bảo hộ hợp lý, nhất là những ngành có khả năng cạnh tranh thấp để có thêm thời gian cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả. Kết quả đàm phán cụ thể chưa được công bố, nhưng Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định chăn nuôi sẽ có ít nhất 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế về 0%, đây là khoảng thời gian quý báu để Việt Nam nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp và không có lý do gì để Việt Nam - một nước nông nghiệp – lại không thắng trong lĩnh vực này.

Nhìn rộng hơn, Chính phủ Việt Nam suốt thời gian qua đã có những hành động chính sách cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo các chuẩn mực và thông lệ của “luật chơi” quốc tế, với việc trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, quyết liệt thực thi Nghị quyết 19… Việt Nam đã tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, trở thành quốc gia tăng bậc mạnh nhất so với một năm trước, theo báo cáo cách đây vài ngày của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Tham gia TPP thực sự là một quyết sách chiến lược, từ một tầm nhìn chiến lược và lâu dài của Việt Nam. Sau 5 năm đàm phán, các nước đã đạt được đồng thuận về TPP, nhưng khác với nhiều nước vẫn còn những tranh cãi nội bộ, có thể thấy đại đa số các ý kiến tại Việt Nam, từ các nhà lãnh đạo cho tới các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và dư luận đều ủng hộ TPP, cho dù mức độ lạc quan là khác nhau.

Việt Nam đã tự tin tham gia đàm phán TPP và giờ đây, đang có thêm cơ hội lớn để chủ động hơn nữa trong việc quyết định tương lai, vận mệnh của chính mình. Đây có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất khiến dư luận hào hứng và đồng thuận đến thế với TPP.

 

Hà Chính

Nguồn: chinhphu.vn

Người đăng: T.An