Giám sát đầu tư công: Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra 
Chính phủ vừa cụ thể hóa hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng được quy định tại Điều 82 và Điều 83 của Luật Đầu tư công bằng Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư.
 

IMG

Công dân có quyền giám sát các dự án đầu tư sử dụng vốn vay được bảo đảm bằng giá trị quyền sử dụng đất

Ảnh: Lê Tiên

Hiện tại, HĐND các cấp vẫn thực hiện giám sát đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước, nhưng trên thực tế, theo ông Lê Công Đỉnh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An thì việc giám sát “có lúc, có nơi” chỉ là hình thức, không hiệu quả. “Thông thường, cơ quan dân cử tổ chức một đoàn gồm đủ thành phần tham gia đi tiến hành thị sát, khảo sát công trình, dự án. Sau đó, đoàn giám sát nghe chủ đầu tư báo cáo với nội dung chủ yếu là mô tả tiến độ công việc và phần lớn trình bày những hạn chế, thiếu sót do… khách quan và kiến nghị có lợi cho phía chủ đầu tư. Tiếp đó, các thành viên của đoàn giám sát tiến hành hỏi chủ đầu tư, nghe chủ đầu tư giải trình chủ yếu là nắm thêm thông tin, trong đó có nhiều thông tin chưa được thẩm định mức độ chính xác, nên hiệu quả giám sát khá thấp”, ông Lê Công Đỉnh mô tả.  

Để khắc phục tình trạng giám sát hoạt động đầu tư công chỉ là hình thức, làm lấy lệ, kể từ ngày 20/11/2015, theo Nghị định số 84/2015/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, công dân có quyền giám sát các chương trình, dự án đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); dự án đầu tư sử dụng vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn vay được bảo đảm bằng tài sản nhà nước, giá trị quyền sử dụng đất, vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng do Mặt trận Tổ quốc cấp xã thành lập. 

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra sự phù hợp của quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch liên quan và kế hoạch đầu tư trên địa bàn xã; theo dõi, kiểm tra việc chủ đầu tư chấp hành các quy định về chỉ giới đất đai và sử dụng đất; quy hoạch mặt bằng chi tiết, phương án kiến trúc, xây dựng; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; tiến độ, kế hoạch đầu tư. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chịu trách nhiệm phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường trong quá trình thực hiện đầu tư, vận hành dự án; phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án cũng như việc thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư. 

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có quyền kiến nghị các cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án nếu phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hóa - xã hội, môi trường sinh sống của cộng đồng; chủ đầu tư không thực hiện công khai thông tin về chương trình, dự án đầu tư. 

Trước thực tế có quá nhiều dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách “phá trần” tổng mức đầu tư, đầu tư kém hiệu quả, lãng phí, thất thoát…, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt - Nhật cho rằng, người dân rất quan tâm đến quyền được giám sát hoạt động đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn. Bởi chỉ được giám sát người dân mới có thể biết được thông tin về các dự án đã, đang và sẽ được đầu tư trên địa bàn ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của mình. Và chỉ có công khai, minh bạch đi cùng với nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội, đoàn thể và đặc biệt là hoạt động giám sát của người dân từ mức vốn bố trí cho từng chương trình, dự án; tiến độ thực hiện và giải ngân; kết quả nghiệm thu, đánh giá của từng chương trình, dự án mới góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả, đúng mục đích.  

Việc người dân được giám sát hoạt động đầu tư trên địa bàn, và công khai, minh bạch tất cả các thông tin liên quan đến chương trình, dự án để người dân biết, theo ông Bùi Việt Phương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ góp phần ngăn chặn được tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư sai, kém hiệu quả gây thất thoát, lãng phí nguồn lực xã hội. “Có không ít dự án, trong quá trình thực hiện, người dân chỉ được nghe một cách “mơ màng” rằng, dự án này cần thiết phải làm, tạo điểm nhấn cho cảnh quan khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế địa phương, phục vụ lợi ích cộng đồng… Nhưng đến khi quyết toán, người dân mới biết đầu tư vào dự án đó mất rất nhiều tiền, quá lãng phí. Với số tiền như vậy, nếu đầu tư vào dự án khác có hiệu quả hơn rất nhiều”, ông Bùi Việt Phương phát biểu và cho rằng, cộng đồng không chỉ tham gia giám sát đầu tư khi triển khai dự án, mà phải có sự phản biện trước khi triển khai xem có cần thiết không, có nhất thiết phải đầu tư từng ấy tiền không, hiệu quả của dự án ra sao sau khi đưa vào khai thác… Đây là cơ sở quan trọng để cấp có thẩm quyền cân nhắc trước khi quyết định đầu tư.  

Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hồng Hà cũng cho rằng, bên cạnh quyền giám sát khi triển khai dự án, người dân cần phải giám sát, góp ý ngay từ khi xây dựng, hoàn thiện dự án và giám sát quá trình, kết quả xử lý tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền lợi, lợi ích của người dân, đặc biệt là kết quả xử lý tổ chức, cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong hoạt động đầu tư công mới nâng cao được hiệu quả đầu tư công, giảm thiểu đầu tư giàn trải, lãng phí. 

Đặc biệt, theo ông Bùi Việt Phương, toàn bộ thông tin về kết quả giám sát, phản biện của cộng đồng, kết quả xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm hoạt động đầu tư công cần phải được công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân dễ dàng tiếp cận. “Phương tiện thông tin đại chúng phát triển rất mạnh. Bên cạnh hệ thống công nghệ thông tin phát triển như vũ bão thì ở thôn xóm nào, xã nào cũng có hệ thống loa truyền thanh. Cần phải tận dụng tất cả phương tiện thông tin đại chúng để công khai, minh bạch dự án đầu tư trên địa bàn cho người dân biết để thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát”, ông Bùi Việt Phương đề xuất.

 

Hà Thành

Nguồn: muasamcong.vn

Người đăng: T.An