Điều kiện cử người đại diện tại DN Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ 

(Chinhphu.vn) - Nghị định 106/2015/NĐ-CP về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vừa được Chính phủ ban hành, trong đó quy định điều kiện cử người đại diện.

Ảnh minh họa

Người đại diện phần vốn nhà nước được bầu, bổ nhiệm giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Bộ quản lý ngành), UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) làm chủ sở hữu vốn đầu tư vào các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước sau cổ phần hóa; công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (tập đoàn, tổng công ty, công ty), bao gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị; Chủ tịch Hội đồng thành viên; Thành viên Hội đồng quản trị; Tổng giám đốc; Phó Tổng giám đốc; Giám đốc; Phó Giám đốc là đối tượng áp dụng quy định mới tại Nghị định 106/2015/NĐ-CP.

Nghị định quy định cụ thể 6 điều kiện cử người đại diện tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ:

1- Đạt tiêu chuẩn chung của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn của chức danh dự kiến cử làm đại diện do cấp có thẩm quyền ban hành.

2- Có đủ hồ sơ cá nhân được cấp có thẩm quyền thẩm định, xác minh, xác nhận.

3- Trong độ tuổi cử làm đại diện: Người đại diện được cử làm đại diện phải đủ tuổi (tính theo tháng) để công tác hết 1 nhiệm kỳ theo quy định của chức danh quản lý.

Trường hợp người đại diện do nhu cầu công tác mà được chủ sở hữu cho thôi làm đại diện để cử làm đại diện tại tập đoàn, tổng công ty, công ty khác cùng chủ sở hữu thì tuổi cử làm đại diện không theo quy định trên.

Ttrường hợp người đại diện sau 1 năm kể từ ngày bị chủ sở hữu đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc kể từ ngày quyết định kỷ luật, miễn nhiệm có hiệu lực thi hành, nếu tiếp tục được xem xét cử làm người đại diện thì ngoài việc đáp ứng điều kiện về độ tuổi, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác của người đại diện.

4- Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao do cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận. Thời điểm chứng nhận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ cho cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ không quá 06 tháng.

5- Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.

6- Không đang trong thời gian bị thi hành kỷ luật, điều tra, truy tố, xét xử.

Miễn nhiệm người đại diện 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ

Nghị định cũng quy định việc miễn nhiệm người đại diện tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Cụ thể, việc miễn nhiệm người đại diện được thực hiện một trong các trường hợp: Có đơn xin thôi làm đại diện trước thời hạn và được chủ sở hữu đồng ý; chuyển công tác khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; đến tuổi được nghỉ hưu; chủ sở hữu hết vốn tại tập đoàn, tổng công ty, công ty; trong 2 năm liên tiếp của nhiệm kỳ làm đại diện bị đánh giá, phân loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; vi phạm phẩm chất đạo đức hoặc vi phạm quy định những việc đảng viên không được làm đối với người đại diện là đảng viên; các trường hợp quy định tại các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Sau khi miễn nhiệm người đại diện, chủ sở hữu có trách nhiệm phân công, bố trí nhiệm vụ hoặc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2015.

Hoàng Diên

Nguồn:chinhphu.vn

Người đăng: T.An