Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Phước 
(CTTĐTBP) - Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã lựa chọn những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để trưng bày, giới thiệu với công chúng.
Ngày 27/5, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Bình Phước khai mạc triển lãm tại Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Bình Phước (Quốc lộ 14, P.Tân Phú, thị xã Đồng Xoài). Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 31/5.
 
Triển lãm cho thấy nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn có ý thức và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho biết: Triển lãm góp phần cung cấp chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với 2 quần đảo này của Việt Nam và các vùng biển đảo khác trên Biển Đông. Thông qua triển lãm, bạn bè quốc tế và trong đó có cả người dân Trung Quốc hiểu đúng sự thật về tình hình Biển Đông hiện nay, cũng như hiểu được mong muốn, nguyện vọng chính đáng của Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông để xây dựng, phát triển đất nước.
 
Đến với triển lãm, nhân dân Bình Phước được tìm hiểu một cách đầy đủ, chính xác quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua các tư liệu:
 
1. Các văn bản do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó, đáng chú ý là bộ sưu tập châu bản của vương triều Nguyễn có niên đại từ triều Minh Mạng (1820-1841) đến triều Bảo Đại (1925-1945), phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục dưới triều Nguyễn, do Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) nghiên cứu, tuyển chọn, biên dịch, công bố và do nhà nghiên cứu Phan Thuận An sưu tầm, hiến tặng.
 
Nhiều tư liệu, bản đồ do các nước phương Tây và do chính Trung Quốc công bố trong hàng trăm năm qua đã chứng minh Trung Quốc không liên quan gì đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
 
2. Sưu tập gồm: Bản đồ, tư liệu, hình ảnh, 4 cuốn atlas do Trung Quốc xuất bản và một bộ atlas thế giới gồm 6 quyển liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Những bản đồ, hình ảnh, tư liệu được trưng bày theo 5 chủ đề:
 
* Bản đồ Việt Nam thời quân chủ (thế kỷ 16 - 19) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 
* Bản đồ xuất bản tại phương Tây (thế kỷ 16 - 19) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 
* Bản đồ Trung Quốc qua từng thời kỳ:
 
Bản đồ Trung Quốc xuất bản tại phương Tây (thế kỷ 16 - 20) ghi nhận 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc về Trung Quốc.
 
Bản đồ Trung Quốc do các nhà nước Trung Quốc xuất bản (thế kỷ 16 - 20) ghi nhận 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc về Trung Quốc.
 
* Tư liệu hình ảnh, các tư liệu Hán Nôm của Việt Nam trong thời kỳ trước năm 1975.
 
* Hình ảnh của quân, dân trên đảo Trường Sa và các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo của Việt Nam.
 
3. Sưu tập 102 ấn phẩm xuất bản tại các nước phương Tây từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 có những thông tin liên quan đến 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.
 
4. Hình ảnh tư liệu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thời Pháp thuộc và thời Việt Nam cộng hòa; hình ảnh các di tích những hùng binh Hoàng Sa và lễ “Khao lề thế lính” ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi); hình ảnh về đời sống và sinh hoạt của quân và dân ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) hiện nay; hình ảnh các hoạt động sưu tầm, giữ gìn và trao tặng các tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
5. Những công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và quốc tế xuất bản ở trong và ngoài nước từ trước đến nay nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 
6. Sưu tập hiện vật và hình ảnh về công cuộc thực thi chủ quyền và đấu tranh “Bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”.
 
7. Trưng bày tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế”./.

 

TT.THCB - Hà Nguyễn
Nguồn: www.binhphuoc.gov.vn
Người đăng: Phông