Bàn giải pháp hỗ trợ nông dân trồng điều trên địa bàn tỉnh 
 (CTTĐTBP) - Ngày 28/9, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị họp bàn giải pháp hỗ trợ nông dân trồng điều trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh, đại diện Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
 
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến hết năm 2016, tổng diện tích cây điều trên đất sản xuất nông nghiệp là 134.204 ha và trên đất lâm phần là 39.716 ha, tổng địa bàn toàn tỉnh có khoảng 173.920 ha, chiếm 32,7% diện tích cây lâu năm và chiếm 30,03% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu ngành điều đạt 500 triệu USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và đóng góp 25% tổng số GRDP của ngành nông nghiệp. Về an sinh xã hội, ngành điều giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 50.000 lao động tại 226 doanh nghiệp, 328 cơ sở chế biến hạt điều và hàng ngàn lao động trực tiếp trong sản xuất và thu mua tại vườn, góp phần ổn định cuộc sống cho 71.612 hộ trồng điều của tỉnh.
 
Theo thống kê cuối vụ năm 2017, diện tích cây điều toàn tỉnh 134.204 ha, trong đó có 132.632 ha cho sản phẩm. Năng suất đạt bình quân 7,15 tạ/ha, bằng 62,26% so với năm 2016; sản lượng đạt 94.845 tấn, bằng 62,26% so với năm 2016. Tổng diện tích cây điều bị thiệt hại trong năm 2017 khoảng 34.392 ha, chiếm 25,62% so với tổng diện tích toàn tỉnh. Trong đó, riêng đối tượng hộ nghèo, cận nghèo có 3.903 hộ bị thiệt hại, tương ứng với khoảng 7.064,4 ha, chiếm 20,5% tổng diện tích bị thiệt hại và 5,3% tổng diện tích của toàn tỉnh. Cây điều bị thiệt hại liên quan đến các loại bệnh chủ yếu: cháy lá, khô cành, bọ xít muỗi, bệnh thán thư…
 
Các đại biểu dự hội nghị cho rằng cần phải xác định vùng dịch, ổ dịch để có phương pháp kiểm soát dịch bệnh. Ngành nông nghiệp và các địa phương luôn bám sát và thực hiện tốt công tác dự báo dịch bệnh; tiến hành tập huấn cách phòng chống dịch bệnh; kiểm soát tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường… nhằm hỗ trợ nông dân một cách hợp lý nhất. Có thể thành lập đội, tổ để kiểm tra thực tế; hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cụ thể và cần phải có biện pháp xử lý ngay. Ngoài sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước, các doanh nghiệp điều hãy cùng chung tay hỗ trợ nông dân; hỗ trợ 100% giống trồng đối với các hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số…
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh cho biết Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất phương án hỗ trợ người nông dân trồng điều bị ảnh hưởng sâu bệnh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách. Tuy nhiên, mức hỗ trợ bao nhiêu và phương án hỗ trợ như thế nào thì phải chờ sau khi rà soát lại để có số liệu cụ thể.
 
Trước mắt, Phó Chủ tịch Huỳnh Anh Minh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã rà soát lại các đối tượng được hỗ trợ; chỉ đạo tuyên truyền cho nông dân về các kỹ thuật, quy trình chăm sóc cây điều đạt hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng quy chuẩn các loại thuốc, phân bón đảm bảo chất lượng; xây dựng quy trình chăm sóc, kỹ thuật để tập huấn hướng dẫn cho người dân trồng điều. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu công tác cứu đói giáp hạt. Sở Tài chính xem xét phương án để có cách hỗ trợ nông dân bị thiệt hại./.

 

Hải Thanh

Nguồn: www.binhphuoc.gov.vn

Người đăng: Phông