Tại hội nghị tổng kết, đánh giá PCI vào tháng 3-2019, nhiều giải pháp từ tổng quát đến chi tiết đã được lãnh đạo tỉnh đề ra. Trong đó nhấn mạnh tập trung thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao PCI năm 2020 lên 5 bậc so với kết quả tại thời điểm đó.
Nhìn thẳng yếu kém
Năm 2020, PCI năm 2019 của tỉnh gần áp chót là thông tin không vui với Bình Phước. Tỉnh đã tổ chức hội nghị tập trung phân tích những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Qua phân tích, 128 chỉ tiêu con của 10 chỉ số thành phần PCI năm 2019 cho thấy, PCI Bình Phước đạt thấp chủ yếu do: Số ngày đăng ký, giải quyết thủ tục cho DN còn chậm. Cán bộ am hiểu, có chuyên môn sâu nghiệp vụ còn thấp. Công tác thanh tra, kiểm tra DN nhiều và trùng lắp. Tình trạng “bôi trơn” chi phí khác của DN vẫn còn. Trong khi đó, dịch vụ hỗ trợ DN chưa nhiều…
Thứ hạng PCI năm 2020 là kết quả ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước.
Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Văn Lợi thăm dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Auntex, Khu công nghiệp Đồng Xoài I, TP. Đồng Xoài - Ảnh: T.L
Sau khi tham vấn nhiều chuyên gia có kinh nghiệm cải thiện, nâng cao PCI, lãnh đạo tỉnh đã ưu tiên triển khai cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm gánh nặng chi phí cho DN. Ngoài ra, giảm khả năng phát sinh chi phí không chính thức. Bên cạnh đó, tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như đất đai, thuế, xây dựng, bảo hiểm xã hội; tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công; tăng cường công khai, minh bạch thông tin…
Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã quyết liệt thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các huyện, thị xã theo thẩm quyền. Các sở, ngành, UBND cấp huyện nhất quán về cơ chế phối hợp giữa các ngành trong thực hiện ở một số lĩnh vực. Nhất là kịp thời xử lý vướng mắc trong tiếp cận đất đai, đào tạo nghề. Đặc biệt, vấn đề hết sức cấp thiết là cải thiện chỉ số tính minh bạch và đất đai đang là vấn đề “nóng”, cản trở lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trong một cuộc họp chỉ đạo thực hiện quyết tâm nâng cao chỉ số PCI, người đứng đầu chính quyền tỉnh đã quyết liệt yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục đổi mới quy chế làm việc, phương thức chỉ đạo, điều hành, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành và các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả chương trình PCI. Xác định rõ tinh thần phục vụ DN và người dân thay vì quản lý, hỗ trợ như trước đây.
Kỳ tích bứt phá
Thẳng thắn nhìn nhận yếu kém, hạn chế của địa phương; bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh thì đồng thời cũng yêu cầu, các cấp, ngành, huyện, thị xã, thành phố nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư. Việc cần làm ngay là quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số thành phần liên quan như: Tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức... đặc biệt là thiết chế pháp lý. Bởi chỉ số này tốt sẽ tạo điều kiện tiên quyết cho tính minh bạch của bộ máy. Qua đó, làm giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức của DN và nhà đầu tư.
Một trong những bứt phá là Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Phước luôn đổi mới theo hướng hiện đại. Từ đó, cung cấp các dịch vụ, thông tin cần thiết về chính sách thu hút đầu tư, quy hoạch, phù hợp thực tế. Thường xuyên thực hiện rà soát kịp thời phát hiện các thủ tục không phù hợp, kiến nghị các bộ, ngành sửa chữa, giảm thời gian thực hiện giải quyết. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng mục đối thoại với DN trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Theo đó, duy trì thông tin, phản hồi của DN và nhà đầu tư, tạo sự tương tác, giải quyết kịp thời các khúc mắc, điểm nghẽn cần tháo gỡ…
Bình Phước sẵn sàng chào đón, tạo điều kiện thuận lợi và cam kết sát cánh cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh.
Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh, nhà đầu tư tiếp các doanh nghiệp Đài Loan - Ảnh: Như Nam
Là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng Bình Phước đã biết tận dụng lợi thế, có chính sách đặc thù, hấp dẫn để kêu gọi đầu tư, xúc tiến nhiều dự án quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là triển khai mạnh các dự án giao thông kết nối với Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và sắp triển khai dự án giao thông kết nối Cửa khẩu Hoàng Diệu. Đẩy mạnh việc mở khu liên hợp miễn thuế đầu tiên để phát triển kinh tế cửa khẩu, cũng như đẩy mạnh kế hoạch xây dựng 1 cảng khô (cảng cạn) làm nơi tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa khu vực…
Cùng với đó, việc thực hiện hỗ trợ DN mở rộng thị trường, khuyến khích xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, triển lãm giới thiệu các mặt hàng chủ lực của tỉnh (cao su, điều, tiêu…), xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN và chỉ dẫn địa lý… Đồng thời, hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong DN, hoạt động tư vấn, hỗ trợ, phổ biến và chuyển giao công nghệ trong các DN… cũng từ đó nâng uy tín, chất lượng bộ máy công quyền của tỉnh.
Với sự nỗ lực cao độ, quyết liệt đã đưa đến kết quả PCI năm 2020 của Bình Phước tăng 11 bậc. Điều đó đã đánh giá đúng sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh cùng với các sở, ngành hữu quan trong quyết tâm thay đổi, cải thiện đáng kể về PCI.
Xếp hạng PCI là cuộc cạnh tranh giữa các địa phương, chỉ có điểm khởi đầu mà không có kết thúc. Trong nhận thức, ngoài nâng hạng PCI là mục tiêu cũng phải luôn nỗ lực phấn đấu, không bao giờ dừng lại, dù chúng ta có xếp thứ hạng bao nhiêu nữa, kể cả hạng nhất. Do đó, việc loại bỏ yếu tố cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với DN; tránh tình trạng “trên thông, dưới không thoáng” là việc phải sàng lọc thường xuyên, liên tục để PCI mãi mãi vươn lên, đạt vị trí cao hơn qua từng năm và năm sau luôn cao hơn năm trước.