Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội tháng 03 và 03 tháng năm 2010

Trên cơ sở số liệu báo cáo của Cục Thống kê Bình Phước và Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo một số nét chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 03 và 03 tháng năm 2010 như sau:
 
I. Về sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu:
1. Tình hình thực hiện:
a) Sản xuất nông nghiệp:
Ước tính đến hết tháng 3 năm 2010, toàn tỉnh gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2009-2010 được 5.464 ha, giảm 12,6% so với vụ trước, trong đó nhóm cây có hạt là 3.423 ha, giảm 3,6% so với cùng kỳ; cây chất bột là 700 ha, giảm 45,2% so với cùng cùng kỳ; cây rau đậu các loại là 1.109 ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ; cây công nghiệp hàng năm là 59 ha, giảm 34,4% so với cùng kỳ; cây hàng năm khác là 173 ha, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do mùa mưa kết thúc sớm nên một số loại cây trồng không xuống giống được.
Cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả vẫn ổn định diện tích do chưa đến mùa vụ trồng mới nên công việc chủ yếu trong quý này là việc chăm sóc và phòng cháy, riêng cây điều và tiêu đang trong thời kỳ thu hoạch nhưng do thời tiết bất thường nên đã ảnh hưởng đến năng suất cây điều. Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Tình hình dịch bệnh không xảy ra.
Công tác quản lý rừng nhất là công tác phòng cháy rừng được tăng cường nên trong quý chỉ xảy ra 1 vụ cháy rừng nhưng thiệt hại không đáng kể (cháy 1 ha rừng lồ ô). Công tác tuần tra, kiểm soát việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng được thực hiện thường xuyên nhưng do địa bàn rộng nên vẫn xảy ra tình trạng phá rừng (tính đến ngày 18/3/2010 đã phát hiện 238 vụ viphạm).
b) Sản xuất công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp (giá SS 1994) tháng 3 ước thực hiện 222,9 tỷ đồng, tăng 38,4% so với tháng trước. Tính chung 3 tháng đầu năm ước thực hiện được 652,3 tỷ đồng, đạt 15,2% kế hoạch năm, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nhà nước là 149,3 tỷ đồng, đạt 17,8% kế hoạch năm và tăng 4,5% so với cùng kỳ; khu vực ngoài quốc doanh là 298,6 tỷ đồng, đạt 12,8% kế hoạch năm và tăng 22,5% so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 204,5 tỷ đồng, đạt 18,2% kế họach năm, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.
c) Dịch vụ, thương mại: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3 ước thực hiện 1.113,5 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước; tính chung cả 3 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện được 3.266,7 tỷ đồng, đạt 26,1% kế hoạch năm và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước.
d)  Tình hình xuất nhập khẩu:Kim ngạch xuất khẩu tháng 3 ước thực hiện 37,471 triệu USD, tăng 14,1% so với tháng trước; tính chung 3 tháng đầu năm ước thực hiện được 108,08 triệu USD đạt 27% kế hoạch năm và đạt gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 8,441 triệu USD, giảm 11% so với tháng trước; tính chung 3 tháng đầu năm ước thực hiện được 26,372 triệu USD đạt 24% kế hoạch năm và đạt gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
đ) Thu chi ngân sách: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 3 ước thực hiện 174,8 tỷ đồng, tăng 45,6% so với tháng trước và tăng 62,3% so cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách trong 3 tháng ước thực hiện 394,8 tỷ đồng, đạt 23,1% so với kế hoạch năm, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách 3 tháng ước thực hiện 499,04 tỷ đồng, đạt 18,83% so với kế hoạch năm, bằng cùng kỳ năm trước.  
e) Về thu hút đầu:
Trong tháng 3/2010 có 45 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký là 225 tỷ đồng, so với tháng trước số doanh nghiệp đăng ký tăng 7%, số vốn tăng 50%, so với cùng kỳ năm trước số doanh nghiệp đăng ký giảm 25% nhưng số vốn đăng ký lại tăng 28%. Tính chung 3 tháng đầu năm có 148 doanh nghiệp trong nước đăng ký với số vốn 730 tỷ đồng, so với cùng kỳ số doanh nghiệp đăng ký giảm 25,4% nhưng số vốn lại tăng 5%. Luỹ kế đến nay tỉnh có 2.777 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký là 16.840 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 3/2010 được 01 dự án với số vốn đăng ký là 1,5 triệu USD. Tính chung 3 tháng đầu năm có 03 dự án FDI đăng ký với vốn là 105,7 triệu USD, gấp 3 lần về số dự án và gấp hơn 5 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 74 dự án đầu tư FDI đăng ký với tổng vốn đăng ký là 565,187 triệu USD.
 2. Một số giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong thời gian tới:
+ Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế:
- Thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính theo Đề án 30, đồng thời, tiếp tục rà soát để cắt giảm tối thiểu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính đã được thống kê.
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); triển khai rộng rãi hình thức đăng ký kinh doanh trực tuyến; tổ chức triển khai công tác kiểm tra sau cấp đăng ký kinh doanh, tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn các doanh nghiệp họat động theo Luật.
- Thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định. Tiếp tục trình Chính phủ việc thay đổi 02 doanh nghiệp nhà nước còn lại của tỉnh từ cổ phần hóa sang TNHH một thành viên.
- Tăng cường quản lý, giám sát cạnh tranh, xử lý các vụ việc vi phạm để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh đúng pháp luật, tạo cơ hội kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tổ chức thường xuyên các sàn giao dịch việc làm nhằm cung ứng lao động cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp.
+ Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển:
- Khắc phục những yếu kém trong lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước của năm 2010 trong năm.
- Theo dõi sát tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia… để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và kịp thời đôn đốc thực hiện.
- Huy động tối đa các nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Tiếp tục thực hiện các giải pháp khuyến khích các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để bổ sung cho các nguồn vốn đầu tư bằng các hình thức thích hợp như BT, BOT… Xây dựng các chính sách và có giải pháp cụ thể để thúc đẩy xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế. Triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng khu Trung tâm hành chính các huyện Hớn Quản, Bù Gia Mập.
- Chuẩn bị các danh mục kêu gọi đầu tư làm cơ sở tăng cường công tác xúc tiến đầu tư và thực hiện xúc tiến đầu tư ngoài nước nhằm kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch…
- Rà soát tình hình thực hiện: các chủ trương đầu tư, việc giao thuê đất để triển khai các dự án đầu tư, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư để thu hồi hoặc chuyển giao cho chủ đầu tư khác đối với các chủ đầu tư chậm triển khai hoặc không đủ năng lực.
+ Đẩy mạnh xuất khẩu và thương mại nội địa:
- Xây dựng và triển khai các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu như đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng và vật tư, giảm chi phí đầu vào; tăng cường sử dụng hàng hóa, vật tư sản xuất trong nước đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật.
- Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch. Chú trọng công tác xúc tiến thương mại theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả; tích cực tổ chức và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đồng thời, khai thác thị trường nội địa một cách có hiệu quả, coi trọng thị trường nông thôn; thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng cách tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, đặc biệt các cơ quan, đơn vị nhà nước phải đi đầu trong việc thực hiện ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước theo yêu cầu tại Công văn số 572/BTC-HCSN ngày 13/01/2010 của Bộ Tài chính.
- Tập trung chỉ đạo công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại đạt hiệu quả, đồng thời đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt trên địa bàn.
II. Tình hình giải ngân vốn ODA:
Trong năm 2010, tỉnh Bình Phước có 2 dự án sử dụng vốn ODA (JBIC) là dự án đường Đồng Phú – Bình Long và dự án điện khí hoá xã Long Hưng huyện Phước Long, cả 2 dự án này đang bước vào giai đoạn hoàn thành. Kế hoạch giải ngân vốn quý I/2010 là 2 tỷ 607 triệu đồng, thực tế giải ngân được 1 tỷ 783 triệu đồng, đạt 68,4% kế hoạch quý. Lý do giải ngân chậm là do dự án bước vào giai đoạn hoàn thành, nhà thầu chờ nghiệm thu hoàn thành mới đề nghị thanh toán vốn.
III. Kế hoạch đầu tư XDCB 2010:
1. Tình hình thực hiện:
a) Về phân bổ vốn:
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ và giao vốn cho các đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thị tại Quyết định số 3576/QĐ-UBND ngày 15/12/2009. Tiếp đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh Công văn số 4299/UBND-KT ngày 17/12/2009 về điều hành kế hoạch phát triển KT-XH và vốn đầu tư XDCB năm 2010. Kế hoạch cụ thể như sau:
+ Vốn XDCB: Tổng kế hoạch vốn là 779 tỷ đồng, được phân giao như sau:
- Phân giao cho các đơn vị cấp tỉnh: 342 tỷ đồng, trong đó trả nợ vay vốn kiên cố hóa kênh mương là 15 tỷ đồng, vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư là 10 tỷ đồng, còn lại là bố trí vốn thực hiện dự án (hầu hết là các dự án chuyển tiếp, trong số 35 danh mục kế hoạch vốn chỉ có 5 dự án khởi công mới).
- Phân giao cho các huyện, thị: 437 tỷ đồng. Đến nay, UBND các huyện, thị cũng đã phân giao vốn cho các đơn vị và đã có báo cáo gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư.
+ Vốn Chương trình mục tiêu: Kế hoạch vốn giao là 118 tỷ 224 triệu đồng, được phân giao theo đúng Chương trình, dự án theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.
+ Vốn trái phiếu Chính phủ:Tổng kế hoạch vốn là 222 tỷ 372 triệu đồng, đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh phân bổ cho các dự án giao thông, thủy lợi, y tế và giáo dục tại Quyết định số 355/QĐ-UBND ngày 10/02/2010.
b) Về tình hình thực hiện:
- Vốn XDCB tập trung: KH giao 779 tỷ đồng; giải ngân 108 tỷ đồng; đạt 14%
- Vốn ứng trước năm 2010: KH vốn 94 tỷ; giải ngân 43,2 tỷ đạt 46%
- Vốn Trái phiếu Chính phủ: KH vốn giao 222,372 tỷ, giải ngân 18,8 tỷ; đạt 8,1%
2. Các giải pháp đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn:
- Bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải: Năm 2010, tỉnh Bình Phước phân giao vốn một cách có trọng tâm, hầu hết bố trí cho các dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm 2010 và các dự án trọng điểm, …không bố trí vốn cho nhung công trình, dự án còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng; mặt khác mùa khô năm nay được dự báo kéo dài hơn những năm trước nên nhiều thuận lợi trong triển khai các dự án và giải ngân vốn năm 2010.
- Đối với các dự án chuyển tiếp: Các đơn vị chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu tranh thủ mùa khô để đẩy mạnh thi công và giải ngân vốn.
- Đối với một số dự án khởi công mới, UBND tỉnh đã triển khai đến các đơn vị chủ đầu tư phải triển khai lựa chọn nhà thầu và khởi công ngay trong quý I/2010 nhằm sớm giải ngân vốn.
- Hàng quý, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh họp giao ban với các đơn vị chủ đầu tư và UBND các huyện thị để nắm bắt tình hình thực hiện và có những giải pháp cụ thể để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và đẩy mạnh giải ngân vốn.
- Các đơn vị chủ đầu tư lập kế hoạch triển khai dự án cụ thể cho từng tháng, từng quý, báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc để giải quyết và xử lý kịp thời, không để dự án bị gián đoạn trong quá trình thực hiện.
IV. Các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội:
1. Về việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát:
+ Thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt có kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi ngân sách
            - Thực hiện kiểm soát chi ngân sách theo hướng tiết kiệm cả trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên.
            - Bố trí vốn đầu tư tập trung cho các công trình quan trọng, có khả năng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2010-2011; bố trí đủ vốn để hoàn trả các khoản tạm ứng và vốn vay từ ngân sách Trung ương để có nguồn hoàn trả theo cam kết. Trong chi thường xuyên, chủ động sắp xếp lại thứ tự ưu tiên, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, hạn chế tối đa đề nghị bổ sung ngoài dự toán, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính; thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Thanh tra, kiểm toán, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm về quản lý ngân sách nhà nước trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức. Đồng thời nâng cao vai trò giám sát của cán bộ và của tổ chức quần chúng đối với các chi tiêu công.
+ Tập trung điều hành thu ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng 10% so với dự toán đã được Chính phủ giao:
Từng bước triển khai các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi vào ngân sách nhà nước. Tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân nhằm phát hiện ngay các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế để chấn chỉnh kịp thời, chống thất thu thuế. Triệt để khai thác các nguồn thu mới để tăng thu trong năm 2010 như thu từ các nhà máy xi măng, từ các nhà máy thủy điện mới đưa vào khai thác, thu từ các khu công nghiệp mới đi vào hoạt động...
            + Tập trung nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tiền lương; bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ mới, bảo đảm cân đối tài chính
2. Về bảo đảm an sinh xã hội:
- Thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa bằng nhiều hoạt động thiết thực, huy động thêm các nguồn lực xã hội để cùng với chính sách của Đảng, nhà nước đảm bảo ổn định và từng bước nâng cao mức sống các gia đình chính sách.
- Mở rộng, nâng cấp Trung tâm Nuôi dưỡng, chăm sóc và tư vấn cho các đối tượng xã hội, nhất là người tâm thần mãn tính, trẻ mồ côi, người tàn tật không nơi nương tựa.
- Tổ chức quản lý nắm chắc tình hình các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cơ sở, trẻ em bị xâm hại, bị ngược đãi, trẻ em lao động sớm, trẻ em lang thang trên địa bàn quản lý để có biện pháp bảo vệ và chăm sóc kịp thời.
- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2010; xây dựng đề án dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
- Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách cử tuyển cho học sinh dân tộc thiểu số vào học tại các trường đại học, dự bị đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
V. Tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng chống dịch bệnh; cháy rừng:
1. Tình hình dịch bệnh: Trong 3 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Do tình hình thời tiết không thuận lợi nhưng do được cảnh báo trước nên tình hình bệnh vàng lùn, xắn lá lúa đã không xảy ra mà chỉ ảnh hưởng đến việc ra hoa, đậu trái của cây điều.
2. Tình hình phòng chống dịch bệnh: Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Nông nghiệp & PTNT, tỉnh Bình Phước đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, bệnh LMLM trên đàn gia súc, phòng chống các loại dịch bệnh trên cây trồng, thực hiện việc giám sát dịch bệnh tới tận thôn, ấp thông qua mạng lưới hệ thống thú y cơ sở, cộng tác viên bảo vệ thực vật cơ sở. Công tác kiểm dịch động vật tại các trạm kiểm dịch hoạt động thường trực 24/24 giờ, tiến hành xử lý theo quy định đối với trường hợp vi phạm; công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, vệ sinh thú y được thực hiện thường xuyên.
3. Biện pháp phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới:
- Đối với các loại cây trồng: Tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, giống cây trồng; thường xuyên theo dõi, điều tra sâu bệnh hại và thông báo tình hình sâu bệnh hại, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại trên các phuơng tiện thông tin đại chúng để người dân biết cách phòng trừ.
- Đối với đàn gia súc, gia cầm: Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tới tận thôn, ấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dịch cúm gia cầm; triển khai thực hiện kế hoạch tiêm phòng vaccin cho gia súc, gia cầm; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y các sản phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh.
4. Tình hình cháy rừng và phòng chống cháy rừng:
Tình trạng thời tiết khô hạn kéo dài nên khả năng xảy ra cháy rừng luôn ở mức V - mức cực kỳ nguy hiểm. Ngành Kiểm lâm đã thường xuyên chỉ đạo Đội KLCĐ & PCCCR, các Hạt Kiểm lâm cử người trực báo cháy 24/24 và thường xuyên lên trang Website của Cục Kiểm lâm để cập nhật thông tin cháy, đồng thời yêu cầu các đơn vị chủ rừng luôn chuẩn bị lực lượng, dụng cụ và phương tiện để sẵn sàng chữa cháy nên trong quý I/2010 trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ cháy rừng tại khu vực vành đai khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập nhưng thiệt hại không đáng kể (cháy 1 ha rừng lồ ô).
VI. Kiến nghị:
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm xem xét bố trí vốn cho tỉnh Bình Phước thực hiện các dự án sau đây: 
            1. Vốn Trái phiếu Chính phủ:
            - Đường ĐT 741 Phước Long – Bù Gia Mập:                     155 tỷ đồng
            - Ký túc xá sinh viên Trường Trung học y tế:                       53 tỷ đồng
            - Nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh lên 600 giường:           220 tỷ đồng
            2. Vốn Chương trình phòng chống lụt bão:
            - Đường cứu nạn, cứu hộ Sao Bộng – Đăng Hà:                 137,5 tỷ đồng
            Riêng dự án ĐT 741 Phước Long – Bù Gia Mập đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bố trí vốn trái phiếu Chính phủ và cho phép triển khai thi công. Đề nghị cho ứng trước vốn năm 2011 để có nguồn vốn thanh toán cho các nhà thầu.
3. Hiện nay 02 huyện mới tách theo Nghị quyết 35/NQ-CP đã hoàn thành quy hoạch trung tâm hành chính 2 huyện mới. Để triển khai xây dựng và tạo điều kiện cho bộ máy hoạt động, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm giải quyết cho ứng trước vốn kế hoạch năm 2011 cho mỗi huyện 50 tỷ đồng.
Trên đây là nội dung báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu, đầu tư tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2010 của tỉnh Bình Phước, kính gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp./.
Nguồn tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư            Người đăng: NVSƠN