Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 của tỉnh Bình Phước

UBND tỉnh Bình Phước vừa phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 với mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, tăng cường công tác đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế trên các lĩnh vực. Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phát triển đô thị nhằm tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2020 đưa tỉnh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.


            Dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2011-2015 sau:
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong giai đoạn 2011-2015 là 13-14%, trong đó ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 5,0-6,0%, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 22-23%, ngành dịch vụ tăng 16-17%.
- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 36-38 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 (tương đương 1.900-2.000USD)
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, phấn đấu đến năm 2015 tỷ trọng ngành nông, lâm, thuỷ sản chiếm 33%, ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 35%, ngành dịch vụ chiếm 32% (theo giá cố định); tương ứng theo giá hiện hành là 36%, 31-32%, 32-33%.
- Thu ngân sách đến năm 2015 dự kiến thực hiện đạt 4.000 tỷ đồng.
- Đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 500 triệu USD.
- Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 55.000-55.500 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 17-18%
- Quy mô dân số đến năm 2015 xấp xỉ 1 triệu người.
- Duy trì mức giảm sinh là 0,7%o mỗi năm;
- 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập THCS;
- 100 % xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế;
- Số bác sỹ /vạn dân đến năm 2015 đạt 8 bác sỹ
- Số giường bệnh/vạn dân đến năm 2015 đạt 25 giường
- Giải quyết việc làm cho cả giai đoạn 2011-2015 là 151.000 lao động, trong đó lao động ở nước ngoài (xuất khẩu lao động) là 1.000 lao động
- Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức 3,5% trong cả giai đoạn
- Đào tạo nghề trong cả kỳ cho 30.000 lao động;
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% vào năm 2015;
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1,3%/ năm;
- Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới đến năm 2015 đạt tỷ lệ là 95%
- Phấn đấu giữ tỷ lệ che phủ của cây rừng đến năm 2015 ở mức 20%, tỷ lệ che phủ chung kể cả cây công nghiệp dài ngày có tán lớn ở mức 60,2%
- Tỷ lệ dân số được cung cấp nước hợp vệ sinh đến năm 2015 đạt 90%
- Đến năm 2015 tất cả các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường
- Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom ở đô thị đến năm 2015 đạt 90%
- Đến năm 2015 tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 95%
Định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
- Xây dựng, triển khai và thực hiện có hiệu quả 03 chương trình đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh phát triển công nghiệp, dịch vụ; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực.
- Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản:
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái. Triển khai và thực hiện Chương trình MTQG về nông thôn mới nhằm đạt mục tiêu đến năm 2015 mỗi huyện, thị có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, chuyên canh để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tiếp tục hình thành các vùng sản xuất tập trung phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; mở rộng diện tích cây cao su, phát triển cây hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả ở những vùng đất thích hợp; duy trì diện tích và nâng cao năng suất cây điều; tiếp tục triển khai chương trình trồng cao su phục vụ xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc. Phát triển ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn theo quy hoạch, đồng thời tăng cường công tác thú y, phòng chống dịch bệnh để giảm thiểu tác hại đến vật nuôi; tổ chức và hiện đại hóa cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm.
Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 3 loại rừng và đất rừng. Gắn phát triển trồng rừng nguyên liệu với công nghiệp chế biến. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triền rừng. Quản lý và sử dụng hiệu quả diện tích đất chuyển đổi ra khỏi đất lâm nghiệp, đặc biệt là diện tích liên doanh trồng cao su với các doanh nghiệp giao về cho địa phương quản lý sau thời kỳ kiến thiến cơ bản.
Tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản trên cơ sở tận dụng mặt nước của các ao, hồ, đập sẵn có trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích đổi mới và xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất có hiệu quả theo hướng phát triển gia trại, trang trại có quy mô phù hợp; phát triển hợp tác xã và các loại hình doanh nghiệp ở nông thôn như doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản sử dụng nguyên liệu và thu hút lao động tại chỗ. Thúc đẩy nhanh việc áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại và ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến có năng suất, chất lượng, hiệu quả và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tiếp tục đầu tư các công trình thuỷ lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu của các công trình thuỷ lợi, kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản, cấp nước sinh hoạt cho dân cư sinh hoạt và phục vụ sản xuất. 
- Ngành công nghiệp, xây dựng:
Nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Tập trung ưu tiên và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến chuyên sâu, công nghiệp bổ trợ, công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Tạo điều kiện phát triển mạnh ngành công nghiệp sản xuất xi măng thành ngành chủ lực của tỉnh, ngành sản xuất vật liệu xây dựng thành ngành có vai trò quan trọng trên cơ sở khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản.
Phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, phát triển nông thôn theo hướng hiện đại với hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó chú trọng đến giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải, nước thải ở đô thị và các khu công nghiệp.
- Ngành dịch vụ: Tiếp tục củng cố và phát triển các ngành dịch vụ hiện có để phát huy thế mạnh của khu vực dịch vụ, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các dịch vụ tài chính ngân hàng, tư vấn, bảo hiểm, khoa học công nghệ, bưu chính viễn thông. Khai thác tốt thị trường nội địa, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh phát triển du lịch thông qua việc triển khai và khai thác có hiệu quả khu du lịch Bà Rá - Thác Mơ; thực hiện khu di tích lịch sử và du lịch sinh thái Bộ Chỉ huy Miền, làng văn hóa Sóc Bom Bo, khu du lịch sinh thái Trảng cỏ Bàu Lạch, phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập; hình hành tuyến du lịch quốc tế Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan.
- Thu, chi ngân sách: Khai thác nguồn thu ngân sách một cách hợp lý và bền vững. Phấn đấu thu ngân sách năm 2015 đạt 4.000 tỷ đồng. Chi ngân sách được xây dựng trên cơ sở cân đối với nguồn thu, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu ưu tiên cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội. Thực hiện chi ngân sách nhà nước một cách hợp lý trên cơ sở tiết kiệm, chống lãng phí.
- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: Xây dựng và thực hiện chương trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt ưu tiên các trục đường chính và mạng lưới giao thông tại các khu trung tâm hành chính của các huyện, thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; đầu tư nâng cấp hoàn thành các bệnh viện tỉnh, huyện và các thiết chế văn hóa, xã hội, đặc biệt các thiết chế văn hóa – xã hội ở nông thôn. Chú trọng đầu tư và cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng cho 2 huyện mới tách (Hớn Quản, Bù Gia Mập) và cơ sở hạ tầng vùng nông thôn để tạo điều kiện cho các xã phát triển theo tiêu chí nông thôn mới.
- Phát triển doanh nghiệp: Phát triển hài hòa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp, đa đạng hóa hình thức sở hữu và hình thức kinh doanh; khuyến khích phát triển kinh tế đa sở hữu mà chủ yếu là các doanh nghiệp cổ phần và hợp tác xã; tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo quy định của pháp luật, trở thành động lực phát triển kinh tế. Khuyến khích dân cư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh trên mọi lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
- Giáo dục đào tạo: Tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng và quy mô công tác giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục và thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp, bổ sung đồ dùng, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa các trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục để huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục, đào tạo. Khuyến khích phát triển nhiều hình thức đào tạo nghề. Thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, thanh niên dân tộc, người tàn tật trên địa bàn tỉnh.
- Y tế: Tăng cường, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh xuống cơ sở, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giải quyết tốt vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Củng cố và phát triển hệ thống y tế dự phòng. Đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh và xây dựng mới Bệnh viện y học cổ truyền. Thực hiện tốt chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế hiệu quả và đáp ứng nhu cầu, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của các tầng lớp nhân dân.
- Văn hoá, thông tin, thể dục - thể thao: Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, trong đó tập trung xây dựng đời sống, lối sống, môi trường văn hóa lành mạnh trong cơ quan, nơi công cộng, cộng đồng dân cư, gia đình và mỗi cá nhân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao để nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Xây dựng và nâng cấp các cơ sở văn hóa, thể thao với quy mô hợp lý; bảo tồn các di tích cách mạng, di tích lịch sử, văn hóa, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc thiểu số sống lâu đời trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mạng lưới thư viện từ tỉnh xuống huyện. Nâng cao hiệu quả mạng lưới phát thanh, truyền hình. Tạo bước phát triển mới cả về quy mô và chất lượng phong trào thể dục - thể thao quần chúng. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa đầu tư phát triển các hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao.
- Giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội:
Khuyến khích khu vực tư nhân, các doanh nghiệp tham gia dạy nghề góp phần nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp của người lao động, tạo cơ hội cho người lao động dễ dàng tìm kiếm được việc làm phù hợp. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về lao động và việc làm, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015. Thực hiện tốt và kịp thời các chính sách an sinh xã hội của Trung ương ban hành để các thành viên trong xã hội, đặc biệt là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương nhanh chóng vượt qua khó khăn do những rủi ro trong nền kinh tế thị trường và các rủi ro khác trong xã hội. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình trợ giúp xã hội và cứu trợ xã hội, bảo trợ xã hội và chăm sóc đối tượng dựa vào cộng đồng, bảo hiểm thất nghiệp. Tạo cơ hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trước hết là người còn khả năng lao động tiếp cận các dịch vụ và làm việc trong nền kinh tế.
Đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa" để huy động mọi nguồn lực từ cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng. Khuyến khích, động viên người có công tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của gia đình.
- Bảo vệ và chăm sóc trẻ em: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn dân và mỗi gia đình đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam và Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015.
- Phát triển thanh niên: Thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách, chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011-2020. Khuyến khích thanh niên tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ và xây dựng đất nước; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh. Tạo điều kiện để thanh niên phát triển toàn diện để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ: Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thực hiện một cách rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều hình thức khác để giúp mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, vùng đồng bào dân tộc hiểu và biết cách tự bảo vệ quyền lợi của mình. Thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ, tạo nguồn cán bộ nữ kế cận và đề bạt cán bộ nữ.
- Phòng chống các tệ nạn xã hội: Có biện pháp mạnh để kiềm chế các tệ nạn ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng xã/phường lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm và các tệ nạn khác.
- Tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững: Duy trì tỷ lệ che phủ của cây rừng ở mức 20%, đến năm 2015 nâng tỷ lệ che phủ chung kể cả cây công nghiệp có tán lớn lên 60,2%; đến năm 2015, tỷ lệ dân số được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt 90%, tất cả các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, thu gom 90% chất thải rắn ở đô thị, xử lý 95% chất thải y tế. Thực hiện viêc sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, có kế hoạch chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
- Quốc phòng, an ninh: Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị với các địa phương thuộc Vương quốc Campuchia, Lào nhằm xây dựng vùng biên giới vững mạnh toàn diện, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Thực hiện tốt việc gắn kết hai nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng. Chủ động đấu tranh phòng, chống các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Nâng cao sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc cùng với việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cao. Bảo đảm an ninh biên giới gắn liền với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đính kèm QĐ 404/QĐ-UBND ngày 22/02/2011

 

Người đăng: K.O