Đánh giá tình hình quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong thời gian gần đây

1. Tình hình thu hút và sử dụng vốn ODA trên địa bàn tỉnh, đóng góp của nguồn vốn vào phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân địa phương.

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận và quản lý nhiều dự án sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trong đó bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn JBIC của Nhật Bản (với 10 dự án trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, cầu đường và điện khí hóa nông thôn, tổng mức đầu tư khoảng 4,6 triệu USD); dự án sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế Giới (WB) và Ngân hàng ADB (trong lĩnh vực cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, nâng cấp chất lượng ngành giáo dục, y tế, đầu tư hạ tầng nông thôn và phát triển cộng đồng, với tổng mức đầu tư đạt khoảng 51,3 triệu USD). Các nguồn vốn ODA trên đã góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh.

Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, đã góp phần đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường tiểu học, nâng cao năng lực quản lý cho các giáo viên; nâng cao chất lượng giáo dục cấp tiểu học, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ đào tạo học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Trong lĩnh vực y tế, nguồn vốn ODA đã phát huy hiệu quả nâng cao chất lượng, huấn luyện, đào tạo, hỗ trợ y tế ngoại biên đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Trong lĩnh vực đầu tư hệ thống cấp nước và xử lý nước thải sinh hoạt, đã góp phần tích cực phục vụ nâng cao chất lượng nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường cho người dân thị xã Đồng Xoài, cụ thể trong giai đoạn 2006 – 2010, tỉnh đã đầu tư hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ nội ô thị xã Đồng Xoài (công suất 4.000m3/ ngày đêm) và hiện đang tiếp tục triển khai dự án nâng cấp hệ thống phân phối với công suất 20.000 m3/ ngày, đêm với tổng vốn đầu tư 15,768 triệu USD. Bên cạnh đó, tỉnh đang tiếp nhận triển khai dự án đầu tư hệ thống thoát và xử lý nước thải công suất 10.000 m3/ ngày, đêm với tổng vốn đầu tư 17,5 triệu USD.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nông thôn và cộng đồng, điển hình là dự án “Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng” (gọi tắt là CBRIP) sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế Giới (WB) cho giai đoạn 08 năm (2002 – 2009) với tổng mức đầu tư cho dự án đạt 207.841.000.000 đồng, góp phần đầu tư hạ tang nông thôn 43 xã về điện, đường, trường trạm, nhà văn hóa...  
2. Những lĩnh vực tập trung chủ yếu; những khó khăn vướng mắc.
Như đã nêu trên, nhằm mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng cải thiện đời sống nhân dân và đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế địa phương, hầu hết những dự án sử dụng nguồn vốn ODA của tỉnh tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông; hệ thống cấp, thoát nước và xử lý nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, y tế; đầu tư hạ tầng nông thôn và phát triển cộng đồng … và sắp tới là các dự án nâng cấp đô thị.
Thông qua những dự án đã và đang đầu tư thực hiện, tỉnh cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như sau:
- Mặc dù việc chuẩn bị danh mục nhu cầu đăng ký nguồn vốn được tỉnh chú trọng quan tâm nhưng để tiếp cận và được phân bổ nguồn là khó khăn.
- Các định chế trong vấn đề tiếp cận, quyết định và sử dụng nguồn vốn ODA còn nghiêm ngặt và chưa phân cấp rộng cho địa phương nên số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
- Một số dự án đầu tư có quy mô lớn với nhu cầu vốn đối ứng địa phương cũng tương đối lớn nên đây cũng là một trong những trở ngại tiếp cận và sử dụng nguồn vốn.
3. Một số chủ trương, định hướng trong công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn.
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa việc sử dụng và quản lý nguồn vốn ODA, tỉnh chủ trương một số định hướng sau:
Một là, đôn đốc và đẩy nhanh quá trình đăng ký, tiếp nhận và thực hiện nguồn vốn ODA. Đồng thời, thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA ở các cấp, làm cơ sơ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân.
Hai là, tiếp tục phát huy vai trò tích cực của các đơn vị quản lý và sử dụng nguồn ODA trong việc báo cáo kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc của từng chương trình, dự án ODA cụ thể nhằm phấn đấu đạt tốt mục tiêu giải ngân của dự án.
Ba là, đảm bảo, bố trí cân đối đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA, đặc biệt những dự án sớm chuẩn bị kết thúc.
Bốn là, rút ra những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện những dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn nữa nguồn vốn vay ODA tại địa phương trong thời gian tới./.

 

BQV