Tình hình thực hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài cả nước 3 tháng đầu năm 2012.

1. Tình hình hoạt động:
Dựa trên báo cáo của các địa phương và số liệu thu thập được tới thời điểm hiện tại, Cục Đầu tư nước ngoài báo cáo sơ bộ tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 3 tháng đầu năm 2012 như sau:
 
Vốn thực hiện:
Trong 3 tháng đầu năm 2012, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 2,52 tỷ USD, bằng 99,2% với cùng kỳ năm 2011.
 Tình hình xuất, nhập khẩu:
Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu khí) trong 3 tháng đầu năm 2012 dự kiến đạt 15,5 tỷ USD, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 63,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN 3 tháng đầu năm 2012 đạt 13,03 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 52,6% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 3 tháng đầu năm 2012, khu vực ĐTNN xuất siêu 1,38 tỷ USD.
2. Tình hình cấp GCNĐT:
Theo các báo cáo nhận được, tính đến ngày 20 tháng 3 năm 2012 cả nước có 120 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký 2,26 tỷ USD, bằng 77,2% so với cùng kỳ năm 2011. Đến 20 tháng 3 năm 2012, có 29 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 368 triệu USD, bằng 30,4% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 3 tháng 2012 là 2,63 tỷ USD, bằng 63,6% so với cùng kỳ năm 2011.
Theo lĩnh vực đầu tư:
Trong 3 tháng đầu năm 2012, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có tổng vốn đầu tư đăng ký lớn nhất với 2 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 1,2 tỷ USD (chiếm 45,5% tổng vốn đăng ký), do có 1 dự án lớn mới được cấp phép vào đầu tháng 3 tại Bình Dương với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 51 dự án đầu tư đăng ký mới và 25 dự án tăng vốn với tổng vốn cấp mới và tăng thêm 1,17 tỷ USD (chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư đăng ký). Lĩnh vực vận tải kho bãi đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 180 triệu USD (chiếm 6,8%).
Theo đối tác đầu tư:
Trong 3 tháng đầu năm 2012 có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,3 tỷ USD, chiếm 88,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hà Lan đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 46,1 triệu USD, chiếm 1,7% tổng vốn đầu tư; vị trí thứ 3 là Đài Loan với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 42,9 triệu USD, chiếm 1,6%.
Theo địa bàn đầu tư:
Trong 3 tháng đầu năm 2012 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 21 tỉnh thành phố của Việt Nam, trong đó Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 1,36 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 51,7% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 605 triệu USD, chiếm 23%. Khánh Hòa đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 180 triệu USD.
Xét theo vùng thì Đông Nam Bộ là vùng thu hút được nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm 60,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Đứng thứ 2 là vùng Đồng bằng Sông Hồng với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 792,7 triệu USD, chiếm 30,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
 Một số dự án lớn được cấp phép trong 3 tháng đầu năm 2012 là: dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD; dự án Cty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone VN, dự án sản xuất và xuất khẩu 100% sản phẩm lốp cao su do Nhật Bản đầu tư tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD, dự án công ty Công ty TNHH Oshima Shipbuilding Việt Nam của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 180 triệu USD đầu tư tại tỉnh Khánh Hoà.
Nguồn: cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; người đăng: PTP