Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng và bàn giải pháp thúc đẩy phát triển cây điều

Ngày 24/4, tại tỉnh Bình Phước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng và bàn giải pháp thúc đẩy phát triển cây điều.
Tại hội nghị, Cục Trồng trọt của Bộ NN&PTNT đã khái quát về thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất cây điều. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều thuộc Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã nêu bật hiện tượng cây điều ở Việt Nam gần đây, đồng thời đưa ra giải pháp phát triển cây điều trong thời gian tới. Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp thuộc Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp đã xác định các hạn chế, yếu kém trong việc trồng cây điều và đề xuất một số giải pháp khắc phục để cây điều phát triển tốt hơn hiện nay. Hiệp hội điều Việt Nam đã có những đánh giá xác thực và còn đề xuất giải pháp phát triển ngành điều Việt Nam giai đoạn 2011-2015.
 
Các địa phương có diện tích trồng cây điều nhiều ở phía Nam như: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã có nhiều ý kiến rất bức xúc trước hiện trạng cây điều ngày càng “teo tóp” dần trước các loại cây có giá trị kinh tế cao khác.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hoà, Cục phó Cục Trồng trọt của Bộ NN&PTNT, mặc dù Việt Nam luôn giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều đem về nước trên 1 tỷ đô la, nhưng thời gian gần đây cây điều đã cho thấy sự bất ổn về sản xuất và phát triển thiếu bền vững. Tổng diện tích điều sản xuất niên vụ 2011 là 362.560 ha, trong đó có diện tích điều trồng tập trung chiếm 69% và diện tích điều phân tán 30%. Diện tích cho sản phẩm 330.390 ha, năng suất bình quân trên 9 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 301.730 tấn.
 
Mặc dù trong năm 2011 vẫn có diện tích trồng mới cây điều là 3.100 ha, nhưng vẫn thấp hơn số diện tích cây điều bị mất trong năm là 10.040 ha. Trong những năm qua, diện tích cây giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu là do hiệu quả kinh tế từ sản xuất điều thấp, không thể cạnh tranh với nhiều loại cây trồng khác có thu nhập cao hơn nên nông dân đã đốn bỏ cây điều để chuyển sang một số cây trồng khác như cao su, sắn, ngô, keo lai.
 
Bên cạnh đó, thời tiết ngày càng diễn biến bất lợi, thời điểm cây điều ra hoa thường gặp mưa làm cho hiệu quả đậu quả thấp, sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều; nông dân ít đầu tư chăm sóc nên năng suất bình quân kém; giá cả đầu ra thấp và không ổn định; việc quản lý chất lượng cây giống tại các địa phương trong những năm qua còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn.
 
Theo Hiệp hội điều Việt Nam, năm 2011, các doanh nghiệp thu mua sản lượng điều thô trong nước khoảng 349.600 tấn. Nguồn nguyên liệu hạt điều thu mua trong nước không đủ đáp ứng công suất chế biến của các nhà máy. Hầu hết các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm điều không tổ chức đầu tư cho vùng nguyên liệu và ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với người trồng mà thu mua thông qua mạng lưới thương lái tại các địa phương. Tại hội nghị, Cục Trồng trọt đã đề xuất rà soát quy hoạch, chú trọng các biện pháp kỹ thuật, tổ chức liên kết sản xuất, cơ chế chính sách giữa doanh nghiệp với người trồng.
 
Theo đó, UBND các tỉnh trồng điều từ 10.000 ha trở lên cần rà soát xây dựng quy hoạch cụ thể. Trên từng địa bàn trồng điều phải xác định phương án phát triển và có biện pháp chỉ đạo sản xuất phù hợp với thực tế như tiến độ cải tạo giống mới, kế hoạch thâm canh, xen canh hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Địa phương sớm rà soát và đánh giá lại các dự án phát triển cây điều trên địa bàn không khả thi để loại bỏ ngay, rút kinh nghiệm trong xây dựng các dự án mới.
 
Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai chương trình nhân giống điều quốc gia để góp phần cung cấp giống đảm bảo chất lượng cho sản xuất. Các đơn vị nghiên cứu của Bộ cần phối hợp với các tỉnh chuyển giao các vườn cây điều, đẩy mạnh việc sản xuất giống điều mới, đảm bảo tỉnh tự cung cấp đủ giống tốt cho diện tích trồng mới và cải tạo hàng năm. Các địa phương cần quan tâm đến công tác quản lý sản xuất và kinh doanh giống điều trên địa bàn, kiểm soát chặt các cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống.
 
Về giải pháp lâu dài, nhà nước tiếp tục đầu tư nguồn vốn ngân sách cho các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về cây điều. Bộ NN&PTNT đầu tư cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều đủ mạnh để đảm bảo nhiệm vụ hoạt động nghiên cứu và triển khai các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Tiến tới tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất điều có chứng nhận nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm điều, sau đó tiếp tục nhân rộng mô hình ra sản xuất.
 
Tổ chức hệ thống thông tin xuống các tỉnh trồng điều về giá cả, thị trường, dự báo thời tiết, sâu bệnh, tình hình tiêu thụ trong và ngoài nước, định hướng phát triển ngành điều. Xây dựng một số dự án đầu tư phát triển ngành điều theo hướng bền vững ở cấp Trung ương và địa phương. Bộ NN&PTNT xây dựng dự án hỗ trợ phát triển ngành điều dài hạn, hỗ trợ trồng điều ở giai đoạn kiến thiết cơ bản để ổn định diện tích điều, nhất là cho vùng đặc biệt khó khăn./.
Nguồn: www.binhphuoc.gov.vn; người đăng: PTP