Lợi ích từ việc doanh nghiệp tự in hóa đơn

(CTTĐTBP) - Việc sử dụng phần mềm tự in hóa đơn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu Nghị định 51 ngày 14/5/2010 của Chính phủ về quy định hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; đồng thời đem lại những lợi ích rõ ràng cho công tác quản lý và chi phí của doanh nghiệp.
 
Theo thống kê của Cục thuế tỉnh, tính đến ngày 30/4, số lượng doanh nghiệp của tỉnh sử dụng hoá đơn tự in là 51 doanh nghiệp, chiếm 2% trên tổng số doanh nghiệp sử dụng hoá đơn (2.326 doanh nghiệp).
 
Điều này cho thấy, số doanh nghiệp tự in hóa đơn còn thấp, là do một số doanh nghiệp chưa đủ điều kiện tự in hóa đơn theo Thông tư 153 năm 2010 của Bộ Tài chính và Thông tư 13 năm 2011 sửa đổi bổ sung Thông tư 153. Ngược lại, một số doanh nghiệp đủ điều kiện tự in nhưng lại không in, vì chưa thấy hết những ưu điểm của việc sử dụng hoá đơn tự in.
 
Doanh nghiệp được lợi gì?
 
Theo phân tích của Cục thuế tỉnh, việc doanh nghiệp sử dụng hoá đơn tự in sẽ giúp doanh nghiệp giảm được thủ tục hành chính. Nghĩa là các phần mềm hóa đơn tự in đã thiết lập sẵn quy trình đăng ký và sử dụng hoá đơn theo quy định của Tổng cục thuế. Cụ thể, phần mềm tự lập thông báo phát hành hoá đơn, quyết định sử dụng và mẫu hoá đơn, báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn... Do đó, doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký và sử dụng hóa đơn được nhanh chóng, chính xác.
 
Phần mềm LinkQ Accounting hỗ trợ doanh nghiệp tự in hóa đơn.
 
Việc sử dụng hoá đơn tự in sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trong khâu in ấn hóa đơn. Vì phần mềm hỗ trợ các hình thức hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in và hoá đơn điện tử; giúp doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn một hoặc đồng thời nhiều hình thức tạo mẫu, in ấn, phát hành hóa đơn.
 
Đối với doanh nghiệp có nhiều cửa hàng, văn phòng đại diện hay chi nhánh, thì việc tự in hóa đơn lại giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp kiểm soát hoạt động từ xa. Các chi nhánh có thể lập hoá đơn và bộ phận kế toán tại trụ sở chính chủ động kiểm soát việc lập và in hoá đơn, tiết kiệm chi phí, phục vụ sản xuất, kinh doanh kịp thời.
 
Hiện nay, một số phần mềm đã tích hợp chữ ký số để có thể kết xuất tờ khai thuế giá trị gia tăng; các bảng kê hoá đơn đầu vào, đầu ra; báo cáo tài chính… Cho nên, việc sử dụng phần mềm tự in hoá đơn sẽ giúp doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng nhanh chóng và tiện lợi.
 
Điều kiện doanh nghiệp được tự in hóa đơn?
 
Theo Thông tư 153 và Thông tư 13 của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được tạo hóa đơn tự in kể từ khi có mã số thuế hoặc doanh nghiệp đang sử dụng hoá đơn đặt in, gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao; các đơn vị sự nghiệp công lập có sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp có mức vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng trở lên, tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn.
 
Các hóa đơn mẫu đúng theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP.
 
Đối với tổ chức kinh doanh đang hoạt động không thuộc các trường hợp nêu trên được tự in hoá đơn để sử dụng cho việc bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thì cần phải hội đủ các điều kiện sau: Đã được cấp mã số thuế, có doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ; có hệ thống thiết bị (máy tính, máy in, máy tính tiền) đảm bảo cho việc in và lập hoá đơn khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; là đơn vị kế toán theo quy định của Luật kế toán và có phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán, đảm bảo dữ liệu của hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ được tự động chuyển vào phần mềm (hoặc cơ sở dữ liệu) kế toán tại thời điểm lập hoá đơn.
 
Ngoài ra, các tổ chức kinh doanh này phải không bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế, hoặc đã bị xử phạt nhưng đã chấp hành xử phạt vi phạm pháp luật về thuế với tổng số tiền phạt dưới 50 triệu đồng trong vòng 365 ngày (tính liên tục từ ngày thông báo phát hành hoá đơn tự in lần đầu trở về trước)./.
 
 
 
Nhật Chiêu
 
Người đăng: PTP