Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2012

 I. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2012.
1. Về kinh tế.
1.1. Sản xuất nông nghiệp.

Về trồng trọt: Về gieo trồng Vụ mùa 2012 toàn tỉnh ước gieo trồng được 42.409 ha, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 87% kế hoạch năm. 

 Trong đó: Cây lương thực có hạt diện tích gieo trồng 16.262 ha, tăng 4,29% (tăng 669 ha) so với cùng kỳ, đạt 86,44% kế hoạch năm; cây công nghiệp hàng năm diện tích gieo trồng 1.056 ha, giảm 3,65% (giảm 40 ha) so với cùng kỳ đạt 94,45% kế hoạch năm; cây thực phẩm diện tích gieo trồng 4.178 ha, giảm 2,36% (giảm 101 ha) so với cùng kỳ, đạt 96,96% kế hoạch năm. Nhìn chung diện tích gieo trồng cây hàng năm tăng chủ yếu ở diện tích cây lương thực có hạt, riêng diện tích cây khoai mỳ giảm 1.322 ha nguyên nhân do giá giảm, tiêu thụ chậm. Còn lại những cây hàng năm khác gieo trồng ổn định tăng giảm không đáng kể. Đối với cây lâu năm chủ yếu là trồng mới và chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh như bệnh vàng rụng lá trên cây cao su; thán thư sâu đục thân trên cây điều, bệnh chết nhanh ở cây tiêu.
Về chăn nuôi: Nhìn chung tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định, không phát sinh dịch bệnh như cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng. Công tác kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y thực hiện thường xuyên trong tháng.
Về lâm nghiệp: Tình hình vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trong tháng xảy ra 63 vụ vi phạm, tăng 21 vụ so với tháng trước. Trong đó: Phá rừng trái pháp luật 01 vụ, làm thiệt hại 0,12 ha rừng sản xuất; vận chuyển lâm sản trái phép 24 vụ; mua bán cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định 20 vụ; khai thác rừng trái phép xảy ra 9 vụ; vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng 6 vụ. Tình hình xử lý vi phạm đã xử lý 55 vụ (bao gồm các vụ tồn động của tháng trước), trong đó xử lý hành chính 53 vụ và 02 vụ xử lý hình sự với  tổng số tiền thu nộp ngân sách 376.573.940 đồng.
Kết quả triển khai xây dựng nông thôn mới: Thực trạng về các tiêu chí nông thôn mới số xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên 02 xã, đạt 9 tiêu chí có 01 xã, đạt 8 tiêu chí 02 xã, đạt 7 tiêu chí có 06 xã, đạt 6 tiêu chí 08 xã, đạt 5 tiêu chí có 10 xã, đạt từ 2 đến 4 tiêu chí có 61 xã, số xã đạt dưới 2 tiêu chí 02 xã. Đến nay các xã đều chưa hoàn thành xây dựng nhiệm vụ quy hoạch và số xã hoàn thành và phê duyệt đề án là 27/91 xã, trong đó có 14/20 xã chỉ đạo điểm giai đoạn 2011 - 2015.
1.2. Sản xuất công nghiệp.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2012 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ. Ước chung 8 tháng đầu năm chỉ số IIP tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8/2012 ước thực hiện 1.276 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), so với tháng 7/2012 tăng 0,18%, ước 8 tháng đầu năm đạt 9.590 tỷ đồng tăng 14,6% so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất công nghiệp hầu hết ở các ngành đều tăng chậm so với tháng trước do giá bán giảm và thị trường tiêu thụ thu hẹp; các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 95%) thiếu vốn sản xuất mặc dù lãi suất Ngân hàng đã giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay của ngân hàng vì không đáp ứng được các điều kiện theo quy định.
Thực hiện bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng: trong 8 tháng phát triển được 12 km đường dây trung thế; 105 km đường dây hạ thế và 25.891 KVA dung lượng trạm biến áp, số hộ có điện tăng thêm 900 hộ.
1.3. Thương mại - dịch vụ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2012 ước thực hiện 1.540 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 18,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng đầu năm 2012 tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước thực hiện 12.826 tỷ đồng, tăng 23,96% so với cùng kỳ năm trước đạt 63,1% kế hoạch năm. Nhìn chung hoạt động thương mại trong tháng tăng nhẹ.  
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2012 tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 9,13% so với cùng kỳ, so với tháng 12/2011 tăng 2,49%. Nguyên nhân do sự tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng phần nào làm tăng mức giá chung.
Xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2012 ước thực hiện 49,92 triệu USD, tăng 6,16% so với tháng trước, giảm 20,05% so với cùng kỳ. Khu vực kinh tế nhà nước 15,86 triệu USD, tăng 18,8% so với tháng trước, giảm 26,22% so với cùng kỳ, kinh tế tư nhân 26,76 triệu USD, tăng 1,9% so với tháng trước, giảm 16,29% so với cùng kỳ, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 7,3 triệu USD, giảm 1,5% so với tháng trước, giảm 18,63% so với cùng kỳ.
Ước 8 tháng thực hiện được 366,2 triệu USD đạt 61% kế hoạch điều chỉnh năm và giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu cao su, hạt điều nhân về lượng xuất khẩu 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ, tuy nhiên giá xuất khẩu cao su, hạt điều nhân giảm so với cùng kỳ năm trước, các mặt hàng khác cũng giảm như nông sản khác, hàng điện tử... đã làm cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giảm mạnh so với cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu: tháng 8/2012 ước thực hiện 8,66 triệu USD giảm 3,9% so với tháng trước, giảm 52,6% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng nhập khẩu đạt 79,18 triệu USD đạt 59,5% kế hoạch năm và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác quản lý thị trường: thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Cục quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 127 của tỉnh về đẩy mạnh công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt, thực hiện niêm yết giá và đăng ký giá đối với các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định. Trong tháng kiểm tra 321 vụ, xử lý 93 vụ, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước 214,42 triệu đồng; phối kết hợp với các ngành liên quan kiểm tra 219 cơ sở, xử lý 10 vụ, phạt tiền và thu nợ đọng thuế 1.136,82 triệu đồng.
1.4. Tài chính - Ngân hàng.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 8/2012 là 95 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng là 1.925 tỷ đồng, đạt 56% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 50,7% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua.
Tổng chi ngân sách tháng 8 ước thực hiện là 319 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng là 3.185 tỷ đồng, đạt 72% dự toán Bộ Tài chính giao và bằng 54% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua.
Hoạt động tín dụng, ngân hàng: Đến hết tháng 8/2012 tổng nguồn vốn huy động ước đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 10,05% so với đầu năm và tăng 28,71% so với cùng kỳ; tổng dư nợ cho vay ước đạt 15.750 tỷ đồng, tăng 20,65% so với đầu năm và tăng 19,37% so với cùng kỳ; dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng 46,25%, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng 35,18%, tỷ lệ nợ xấu là 2,5% trên tổng dư nợ. Việc thực hiện tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, áp dụng mức trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay được đảm bảo theo quy định.
Tháo gỡ khó khăn cho 153 doanh nghiệp (theo báo cáo của tổ công tác 776) trên địa bàn: 100/153 doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng tại các Ngân hàng thương mại trên địa bàn. Có 60 doanh nghiệp có dư nợ 443,2 tỷ đồng tại NHTM; 30 doanh nghiệp được giảm lãi với dư nợ là 211 tỷ đồng; 03 doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ với dư nợ là 18,781 tỷ đồng; 11 doanh nghiệp được cấp hạn mức tính dụng 242,7 tỷ đồng nhưng chỉ sử dụng 99,361 tỷ đồng (chiếm 40,94% HMTD); 15 doanh nghiệp được cấp HMTD 541 tỷ đồng nhưng không sử dụng; 07 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng từ 02 NHTM trở lên: trong đó 05 DN có dư nợ với 125,8 tỷ đồng (02/05 DN sử dụng không hết HMTD: 01 DN sử dụng 17,2% HMTD, 01 DN sử dụng 53,8% HMTD), 02 DN có HMTD 320 tỷ đồng nhưng không sử dụng.
1.5. Thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong 8 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư XDCB tập trung là: 598 tỷ đồng đạt 38% kế hoạch (so với kế hoạch điều chỉnh HĐND); vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện 25 tỷ đồng đạt 27,5% kế hoạch, vốn chương trình mục tiêu giải ngân đạt 15,2% kế hoạch năm.
1.6. Phát triển doanh nghiệp.
Trong tháng 8/2012 có 50 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh với tổng vốn đăng ký là 220 tỷ đồng, tăng 38,9% về số doanh nghiệp và tăng 27,3% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Thực hiện 8 tháng đầu năm 2012 thu hút được 353 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 1364,85 tỷ đồng, giảm 25,4% về số doanh nghiệp và 58% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng đầu năm có 31 doanh nghiệp đăng ký giải thể và 62 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh.
Về thu hút FDI: trong tháng 8 không có dự án FDI đăng ký, lũy kế 8 tháng có 12 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 58,3 triệu USD, về số dự án đăng ký giảm 20%; số vốn đăng ký tăng 85% so cùng kỳ năm trước.
 2. Văn hóa, xã hội.
2.1. Về giáo dục: đã tổ chức tổng kết năm học 2011 - 2012 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2012 - 2013. Trong tháng ngành giáo dục đã chỉ đạo, phối hợp các cấp, ngành địa phương chuẩn bị chu đáo cho ngày tựu trường, khai giảng năm học 2012 - 2013, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của năm nay cao hơn năm trước, duy trì chất lượng chuyên môn giảng dạy ở các cấp học đảm bảo 100% số xã, phường, thị trấn được công nhận chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học; phấn đấu giảm tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học (năm học 2011-2012 là 0,5 %).
2.2. Về Y tế: hoạt động của ngành y tế trong tháng 8/2012, chủ yếu tập trung công tác phòng chống dịch bệnh, hiện tại đang trong thời kỳ dịch sốt xuất huyết bùng phát và lây lan nhanh, ngành đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, đến nay số ca mắc dịch bệnh trong tháng là 783 ca giảm 64 ca so với tháng trước (783/847), xảy ra 03 trường hợp tử vong tăng 01 ca so với tháng trước (03/02); các dịch bệnh khác như: sốt rét là 83 ca giảm 17 ca so với tháng trước (83/100); tiêu chảy cấp là 106 ca giảm 14 ca so với tháng trước (106/120); một số các dịch bệnh như bệnh tay - chân - miệng, Cúm A (H1N1/H5N1) không có diễn biến phức tạp và dịch bệnh không lan trên diện rộng. Các chương trình, kế hoạch tập huấn phòng chống HIV/AIDS đến y tế thôn, bản được đảm bảo và duy trì thường xuyên; về an toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức thành công các đợt tập huấn phổ biến kiến thức đến các huyện, thị xã; tuyên truyền vận động kế hoạch hóa gia đình, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình đến các đối tượng làm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
2.3. Văn hóa, thể dục thể thao và du lịch:
Tổ chức tốt việc chào mừng kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2012) và Quốc khánh 2/9; ngoài ra còn tuyên truyền các hoạt động như: Ngày chất độc da cam, phòng chống ma túy, … Trong tháng, đã tổ chức các đợt kiểm tra tại một số các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, đoàn đã kiểm tra tại 07 cơ sở đã phát hiện và xử phạt 02 cơ sở vi phạm.
Về thể dục thể thao: Tổ chức thành công Hội thao Người khuyết tật tỉnh Bình Phước lần I năm 2012; phối hợp tổ chức Hội thao Ngành Y tế; ban hành kế hoạch tổ chức giải thi đấu Cầu lông công nhân viên chức tỉnh Bình Phước mở rộng năm 2012. Trong tháng đã tham dự tranh tài ở một số môn thi đấu như: giải Vô địch Muay Châu Á, giải Vô địch Bơi lội trẻ toàn quốc, giải Vô địch Cờ vua trẻ, giải Vô địch Pencaksilat toàn quốc. Kết quả đạt 04 HCV, 04 HCB, 04 kiện tướng (01 kiện tướng quốc tế)
Về hoạt động Du lịch: tình hình lượng khách du lịch trong tháng 8 có chiều hướng giảm so với tháng trước. Tổng số lượt khách tham quan ước 10.270 lượt giảm gần 3.000 lượt khách so với tháng trước, trong đó khách nội đia là 9.760 lượt và khách quốc tế là 510 lượt; doanh thu ước đạt 9,85 tỷ đồng.
2.4. Về lĩnh vực khoa học - công nghệ: Công tác quản lý khoa học, trong tháng Hội đồng KH&CN đã tiến hành nghiệm thu được một số đề tài, trong đó có đề tài về “Xây dựng phần mềm từ điển S’tiêng - Việt, Việt - S’tiêng”; hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch triển khai theo yêu cầu Tỉnh ủy về đề án Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh giai đoạn 2012-2015. Về công tác quản lý công nghệ, chủ yếu tập trung việc hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp Điều trên địa bàn, đã có 04 doanh nghiệp được đổi mới công nghệ theo nội dung thông báo số 83/TB-UBND của UBND tỉnh và tiếp nhận 03 đơn vị xin hỗ trợ ISO doanh nghiệp.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra diễn ra trên diện rộng với chuyên đề về khí dầu mỏ hoá lỏng, xăng dầu đã tiến hành thanh tra tại 23 cơ sở, trong đó gồm 21 cơ sở kinh doanh xăng dầu, 02 cơ sở kinh doanh gas. Tiến hành phối hợp Tổ kiểm tra liên ngành về quản lý giá cả, chống đầu cơ găm hàng, sản xuất - kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trên thị trường nội địa tỉnh.
2.5. Về lao động, giải quyết việc làm thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Công tác lao động - việc làm: ban hành kế hoạch thực hiện theo Chỉ thị số 16-CT/TW về việc đưa người lao động và chuyên gia trên địa bàn tỉnh đi làm ở nước ngoài; tổ chức các lớp huấn luyện nâng cao năng lực quản lý cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp và các huyện, thị xã; tổ chức được 01 phiên giao dịch việc làm lần thư III tại huyện Hớn Quản với sự tham gia trực tiếp của 06 doanh nghiệp (có nhu cầu tuyển 1.620 lao động) và 310 lao động. Đã tư vấn nghề, việc làm cho 1.591 lao động; giới thiệu việc làm cho 69 lao động; giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 259 lao động. Lũy kế đến tháng 8/2012 đã giải quyết việc làm cho 18.241 lao động, giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 1.941 lao động.
Công tác Thương binh liệt sĩ - người có công: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành phối hợp với các Sở, ban, ngành tổ chức phục vụ lễ viếng, lễ truy điệu, an táng hài cốt liệu sỹ quy tập từ Campuchia về nghĩa trang liệt sỹ tỉnh và phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh báo cáo tình hình, số liệu về mẹ Việt Nam anh hùng trên toàn tỉnh. Trong tháng giải quyết chế độ mai táng phí cho 11 hồ sơ, 08 hồ sơ chất độc hóa học và quyết định điều dưỡng tại nhà cho 55 đối tượng.
3. Quốc phòng an ninh - an toàn xã hội.
Tình hình quốc phòng, an ninh trong tỉnh và trên toàn tuyến biên giới được giữ vững và ổn định, đã tổ chức diễn tập phòng thủ tại thị xã Phước Long và thực hiện công tác chuẩn bị giao quân trong tháng 9. Trong tháng, xảy ra 11 vụ - 22 đối tượng vị phạm quy chế biên giới; 04 vụ - 14 đối tượng vị phạm quy chế xuất nhập cảnh. Trật tự an toàn xã hội trong tháng xảy ra 70 vụ, tăng 04 vụ so với tháng trước (70/66), trong đó tội phạm trộm cắp tài sản chiếm 35,7% (25/70), đánh bạc chiếm 15,7% (11/70). Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế đã phát hiện 17 vụ - 17 đối tượng vi phạm các quy định về trật tự quản lý kinh tế, giảm 09 vụ so với tháng trước, trong đó chủ yếu là các vụ kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ không rõ nguồn gốc. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phát hiện 38 vụ - 28 đối tượng vi phạm, tăng 16 vụ so với tháng trước (38/22); tội phạm về ma túy phát hiện 05 vụ - 10 đối tượng vi phạm, giảm 02 vụ so với tháng trước (05/07). Tình hình trật tự an toàn giao thông trong tháng lực lượng cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý 11.194 trường hợp vi phạm TTATGT. Về tai nạn giao thông trong tháng xảy ra 40 vụ, tăng 11 vụ so với tháng trước (40/29), hư hỏng nhiều loại phương tiện trị giá khoảng 215 triệu đồng, về mức độ gây thiệt hại so với tháng trước: làm chết 06 người giảm 04 người (06/10); bị thương 51 người tăng 10 người (51/41). Về khiếu kiện đất đai đã hoàn tất việc giải quyết 22 vụ và 9 nhóm đối tượng. Tuy nhiên việc khiếu kiện về đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp, trong tháng xảy ra 5 lượt – 106 người dân đến trụ sở tiếp dân tỉnh và 2 lượt – 59 người dân đến trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng tại Hà Nội để khiếu kiện, các đơn vị chức năng tiếp tục nắm tình hình tham mưu giải quyết.
Đánh giá chung: Tình hình kinh tế - xã hội trong tháng ổn định và phát triển. Sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ của tỉnh tăng so với tháng trước và cùng kỳ; doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn bước đầu đã tiếp cận được các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường và tăng số doanh nghiệp đăng ký mới; công tác văn hóa xã hội có nhiều hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân; công tác giáo dục ngày càng được tăng lên; công tác khám chữa bệnh vẫn duy trì tốt. Bên cạnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế như diện tích gieo trồng vụ mùa giảm, xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh giảm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn (chủ yếu các doanh nghiệp ngành điều gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ, giá nguyên liệu đầu vào cao, giá thành phẩm cao, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, một số doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay của ngân hàng vì không đáp ứng được các điều kiện quy định), thu ngân sách đạt thấp, giải ngân vốn XDCB còn chậm, tình hình khiếu kiện đông người về đất đai còn diễn biến phức tạp.
 
Người đăng: NĐN