Được trích dẫn, sử dụng các quy định của văn bản hợp nhất

(Chinhphu.vn) -  Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, cơ quan, tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể tin tưởng, an tâm khi trích dẫn, sử dụng các quy định của văn bản hợp nhất có được từ nguồn Công báo.

 

Theo phản ánh của một số công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ, công tác tra cứu, áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện gặp nhiều khó khăn bởi khi nhiều văn bản được ban hành, sau đó lại có sự điều chỉnh, thay đổi một số điều, khoản. Do vậy, cần thiết có biện pháp thống nhất các văn bản để người dân, cán bộ tiện tra cứu, áp dụng.
Bởi thế, ông Nguyễn Trung Kiên (nguyentrungkienbpqn@...) đề xuất: "Khi có sự điều chỉnh, thay đổi các văn bản QPPL, cơ quan chức năng có thể in lại toàn bộ nội dung của văn bản đó. Chẳng hạn khi một nội dung về Luật Hình sự trên tủ sách của bạn có 1 quyển, tất cả những vấn đề muốn biết thì chỉ cần tìm một văn bản mới nhất thay vì không biết phải tìm bao nhiêu văn bản như hiện nay".
Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Nhân (nhandan70@...) cũng mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp nào đó để khi người dân tra cứu, tìm hiểu một văn bản QPPL có thể biết văn bản đang tìm hiểu là cũ vì đã có văn bản mới hơn, tránh tình trạng cùng một nội dung công việc nhưng chính quyền địa phương mỗi nơi cũng như người dân sử dụng các văn bản khác nhau.
Đã có quy định về hợp nhất văn bản QPPL
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp cho biết, đây cũng chính là những trăn trở trong thời gian qua của Bộ, ngành Tư pháp với mong muốn làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi tiếp xúc với các văn bản QPPL, đặc biệt là với những văn bản đã được sửa đổi, bổ sung.
Theo Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 7/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ, việc tổ chức hợp nhất văn bản QPPL được ban hành trước ngày Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL có hiệu lực sẽ được các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện từ tháng 1/2013-3/2014.
Trong một văn bản QPPL có thể chứa đựng cả những quy định còn hiệu lực và những quy định đã hết hiệu lực; các quy định còn hiệu lực điều chỉnh về một vấn đề, nhưng lại nằm rải rác ở các văn bản QPPL khác nhau.
Để xác định một quy định hiện hành áp dụng cho một trường hợp cụ thể, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mất nhiều thời gian, nhân lực và chi phí cho việc tra cứu văn bản QPPL để xác định văn bản nào đã được sửa đổi, bổ sung, các lần sửa đổi, bổ sung, quy định nào còn hiệu lực, quy định nào hết hiệu lực, quy định nào đã được sửa đổi, nhưng vẫn không chắc chắn vào độ tin cậy của các quy định và có thể dẫn đến nhầm lẫn, sử dụng cả những quy định đã bị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung.
Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần đơn giản hóa hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận, tra cứu, áp dụng, thi hành văn bản và cụ thể hoá quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL và Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL (năm 2012).
Theo đó, hợp nhất văn bản được hiểu là việc đưa nội dung sửa đổi, bổ sung trong văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản đã được ban hành trước đó (văn bản sửa đổi, bổ sung) vào văn bản được sửa đổi, bổ sung theo quy trình, kỹ thuật quy định tại Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL.
Văn bản hợp nhất được sử dụng chính thức trong việc áp dụng và thi hành pháp luật.
Pháp điển được hiểu là việc cơ quan Nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các QPPL đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, trừ Hiến pháp để xây dựng Bộ Pháp điển. Bộ Pháp điển chính thức của Nhà nước được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật.
Được trích dẫn, sử dụng các quy định của văn bản hợp nhất
Đối với vấn đề in, đăng văn bản hợp nhất, Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL quy định, văn bản hợp nhất phải được đăng đồng thời với văn bản sửa đổi, bổ sung trên cùng một số Công báo (Công báo in và Công báo điện tử).
Việc quy định đăng văn bản hợp nhất trên Công báo xuất phát từ giá trị áp dụng của văn bản hợp nhất được xác định tại Điều 4 của Pháp lệnh - là văn bản được sử dụng trong việc áp dụng và thi hành pháp luật, nên đòi hỏi phải có độ tin cậy cao về tính chính xác và phải được công bố, công khai mang tính chính thức từ phía cơ quan Nhà nước nên cần được đăng trên Công báo.
Như vậy, cơ quan, tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể tin tưởng, an tâm khi trích dẫn, sử dụng các quy định của văn bản hợp nhất có được từ nguồn Công báo.
Bên cạnh đó, với khối lượng lớn văn bản hợp nhất, để vừa giảm chi phí cho việc in ấn văn bản hợp nhất vừa bảo đảm việc phổ biến văn bản hợp nhất trên diện rộng, nhanh chóng; giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận, tra cứu và tìm hiểu văn bản, góp phần tạo thuận lợi cho công tác thi hành pháp luật, Pháp lệnh quy định việc đăng văn bản hợp nhất trên Trang thông tin điện tử chính thức của các cơ quan Nhà nước (Điều 9 Pháp lệnh).
Văn bản hợp nhất đăng trên Công báo điện tử, Trang thông tin điện tử được khai thác miễn phí.
 
 
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân
Nguồn: chinhphu.vn