Trong năm 2012, Bộ Xây dựng đã tập trung xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng nâng cao chất lượng, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhưng tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, nhất là với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần sớm hoàn thiện thủ tục chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cho doanh nghiệp-
Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Đặc biệt mới đây, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định số 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị, trong đó đặc biệt kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, khắc phục tình trạng đô thị phát triển tự phát, phong trào, gây lãng phí nguồn lực xã hội…
Việc triển khai Chiến lược nhà ở quốc gia tiếp tục được cụ thể hóa bằng các chương trình nhà ở xã hội, nhà cho đối tượng chính sách, đồng bào vùng ngập lũ…
Nhiều kiến nghị, đề xuất của các đơn vị đã được chia sẻ tại hội nghị để Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý xây dựng như: quy định sử dụng vật liệu không nung trong xây dựng tại những địa chưa có cơ sở sản xuất loại vật liệu này; tăng cường lực lượng làm công tác quản lý xây dựng cấp huyện, xã; cấp giấy phép xây dựng tạm công trình, nhà ở để khai thác, sử dụng trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch xây dựng nhằm góp phần cải tạo, chỉnh trang môi trường đô thị; đáp ứng nhu cầu sửa chữa, cải tạo và xây dựng của người dân trong khu vực.
Tại hội nghị, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, kiến nghị Bộ Xây dựng tiến hành rà soát lại tất cả các dự án trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch và dân số, qua đó thu hồi những dự án không đạt yêu cầu. Bên cạnh chính sách dài hơi cho vay ưu đãi người mua nhà ở xã hội, ông Hùng đề nghị Bộ sớm ban hành nghị định về nhà cho thuê vì đây là loại nhà cần ưu tiên đặc biệt, đối tượng thuê nhà rất đông; sớm tham mưu ban hành luật đầu tư công; tổng kiểm tra năng lực doanh nghiệp kinh doanh BĐS…
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tiếp thu và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội. Trước những khó khăn lớn trong năm 2013, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các cơ chế chính sách trong công tác quản lý; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển đô thị; tập trung giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản gắn với thực hiện chiến lược quốc gia về nhà ở; nghiên cứu và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng.
Năm 2012, giá trị sản xuất xây dựng cả nước ước đạt khoảng 720.170 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2011. Giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng năm 2012 ước đạt khoảng 179.301 tỷ đồng, tăng 10,3% sơ với năm 2011, tương đương 6,1% GDP cả nước. Một số chỉ tiêu chủ yếu vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng như: diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 19,1m2 sàn/người, 78% dân đô thị được cung cấp nước sạch, tỷ lệ đô thị hóa cả nước khoảng 32%...
|
Xuân Tuyến