Mô hình V.A.C hiệu quả tại xã Tân Lập

(CTTĐTBP) - Đến ấp 5 (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú), ai ai cũng thán phục anh Nguyễn Chiến Thắng (38 tuổi), người làm giàu từ mô hình vườn - ao - chuồng (V.A.C). Nhiều năm liền, anh được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp xã, huyện với mức thu nhập bình quân mỗi năm hơn 600 triệu đồng.

 
Năm 1993, anh Thắng cùng vợ con rời quê hương Hà Tĩnh vào Bình Phước lập nghiệp. Những ngày đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn do không thích ứng được môi trường sống ở nơi đây. Ban đầu, anh đi làm thuê cuốc mướn, ai thuê gì làm nấy. Anh Thắng chia sẻ: “Lúc mới vào, nơi đây toàn là rừng và sình lầy, quang cảnh rất hoang vu. Thấy vậy, tôi nản lắm nhưng nhờ sự động viên của gia đình, tôi đã dùng sức lực để mở rộng diện tích ao, chuồng trại”. Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, toàn bộ diện tích xung quanh ao cá, anh bố trí trồng cây chôm chôm để tăng giá trị kinh tế. Đến năm 2000, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng cộng thêm số tiền tích góp để đầu tư xây dựng bờ ao, chuồng trại, mua con giống (hơn 500 triệu đồng).
 
Anh Nguyễn Chiến Thắng bên vườn tiêu trĩu hạt của mình.
 
Với diện tích 1,2 ha, anh quy hoạch thành 3 ao thả cá, trồng 1.200 nọc tiêu, chuồng trại nuôi gà, vịt, heo. Với mô hình V.A.C, anh Thắng xây dựng 3 chuồng trại tách riêng cho từng loại vật nuôi. Chuồng trại xây dựng khoa học, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa mưa, thuận lợi cho chăm sóc và vệ sinh phòng trừ dịch bệnh. Với sự đầu tư sản xuất quy mô và bài bản, hiện nay mô hình của gia đình anh lúc nào cũng có 3 lợn nái, đủ cung ứng con giống, không phải mua ở ngoài. Lợn thịt được nuôi theo cách gối lứa, mỗi lứa 10-14 con, cứ 3 tháng là xuất chuồng một lứa. Bình quân thu nhập từ nuôi lợn cũng được gần 100 triệu đồng/năm.
 
Ngoài ra, trong vườn anh còn nuôi hàng trăm con gà thả vườn và vịt, ngan (vịt xiêm), thu nhập 60 triệu đồng/năm. Riêng 3 ao cá, anh tập trung vào nuôi các loại cá thương phẩm (cá trắm, chép, mè…) và nuôi xen kẽ các loại cá đặc sản (trắm đen, lăng, diêu hồng...). Bằng nguồn thức ăn tại chỗ, kết hợp với thức ăn công nghiệp, mô hình đã giảm khá nhiều chi phí trong chăn nuôi và hạn chế dịch bệnh trên đàn cá, nên doanh thu từ ao cá mỗi năm đạt trên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, hơn 1.200 nọc tiêu đã cho thu hoạch, bình quân thu gần 300 triệu đồng/năm. “Sau hơn 5 năm đầu tư, mô hình V.A.C đã cho thu nhập. Tiền thu được từ mô hình này, tôi có thể trả được nợ, đồng thời đầu tư mua thêm 1,2 ha đất để trồng cao su”, anh Thắng cho biết.
 
Để có kết quả như ngày hôm nay, anh Thắng đã gặp nhiều rủi ro trong chăn nuôi. Những năm đầu nuôi gà gặp dịch cúm, lợn bị bệnh tai xanh và tiêu bị chết dây, anh Thắng đã trăn trở rất nhiều để tìm ra phương pháp chăm sóc các loại vật nuôi và cây trồng đạt hiệu quả cao nhất. Từ học qua sách báo đến học tập kinh nghiệm thực tế, đồng thời có sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, anh đã rút ra nhiều bài học quý báu trong cách lựa chọn con giống, xử lý chuồng trại, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia cầm, gia súc, cá và vườn tiêu của mình. Nhờ vậy, trong 5 năm trở lại đây, dù dịch bệnh vẫn tiếp diễn, nhưng đàn lợn, gia cầm của anh vẫn khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, cho thu nhập cao.
 
 
Nhật Chiêu