Kinh tế 2 tháng đầu năm và những vấn đề cần lưu ý

(Chinhphu.vn) - Đối chiếu với mục tiêu tổng quát của cả năm (tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn, tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, 3 đột phá chiến lược…), tiến độ thực hiện trong 2 tháng đầu năm có một số tín hiệu khả quan, đồng thời cũng cũng đặt ra một số vấn đề cần giải quyết.

 

TỐC ĐỘ TĂNG MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU (%). Nguồn: TCTK

Tín hiệu khả quan

Tín hiệu khả quan về kinh tế trong 2 tháng đầu năm được thể hiện trên một số mặt chủ yếu.
Tổng quát nhất là cán cân thương mại đạt thặng dư lớn nhất từ trước tới nay. Xuất khẩu hàng hóa trong 2 tháng ước đạt 19 tỷ USD, tăng 23,9%, hay tăng 3,67 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Đó là mức tăng và tốc độ tăng thuộc loại khá cao, trong điều kiện nhiều nền kinh tế là đối tác thươmg mại lớn của Việt Nam chưa phục hồi tăng trưởng và giảm giá đồng tiền để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Đóng góp lớn vào xuất khẩu đạt quy mô và tăng trưởng cao là các mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện; máy tính, hàng điện tử và linh kiện; dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ; cà phê; hạt tiêu; sắn và sản phẩm từ sắn; túi xách, ví, va li, mũ và ô dù; sắt thép các loại; phương tiện vận tải và phụ tùng…
Do xuất khẩu đạt cao hơn nhập khẩu cả về quy mô kim ngạch tuyệt đối (gần 19 tỷ USD so với 17,3 tỷ USD), cả về tốc độ tăng (23,9% so với 10,2%), nên xuất siêu ước đạt 1,68 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay (dù xét theo tháng, quý, 6 tháng hay năm). Mức xuất siêu trong 2 tháng đầu năm nay còn cao hơn cả mức xuất siêu của cả năm 2012 (780 triệu USD) và là tín hiệu khả quan để thực hiện cả năm 2013 tiếp tục khác với chỉ tiêu kế hoạch (theo kế hoạch năm 2013, tăng trưởng xuất khẩu 10%, nhập siêu 8%, tính ra mức nhập siêu lên đến 10 tỷ USD). Nhờ xuất siêu khá, cộng hưởng với lượng kiều hối về nước trong dịp đầu năm khá…, nên Ngân hàng Nhà nước năm trước đã mua được khối lượng ngoại tệ khá lớn và đầu năm nay đã tiếp tục mua được một lượng ngoại tệ không nhỏ để tăng dự trữ ngoại hối của quốc gia, trong khi tỷ giá VND/ngoại tệ vẫn cơ bản ổn định.
Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, với tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 và 2 tháng đầu năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước và mức bình quân của cùng kỳ trong nhiều năm trước.
Ý thức tiết kiệm của xã hội trong mùa cưới hỏi, tổng kết năm, Tết Nguyên đán, mùa lễ hội đã được nâng cao, cộng hưởng với những giải pháp ổn định thị trường của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã đạt kết quả tích cực.
Tăng trưởng kinh tế có tín hiệu khả quan từ sản xuất nông, lâm nghiệp- thuỷ sản, khi nhập khẩu gia súc, gia cầm bước đầu được ngăn chặn, giá thực phẩm tăng khá; xuất khẩu nông, lâm- thuỷ sản tăng cao (31,5%) so với cùng kỳ năm trước, tăng cả về nông sản chính, lâm sản chính và thuỷ sản, hầu hết tăng cả về lượng và giá cả. Nhóm ngành dịch vụ triển vọng tiếp tục tăng trưởng khá khi tăng trưởng xuất khẩu cao, góp phần làm cho tăng trưởng của nhóm ngành này cao hơn tốc độ tăng chung.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước đã tăng 6,8%, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 1,8%, công nghiệp chế biến tăng 7,9%, sản xuất và phân phối điện tăng 11,7%, cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 9,9%. Đáng lưu ý, tốc độ tăng trong 2 tháng đầu năm nay của công nghiệp khai khoáng thấp hơn tốc độ tăng trong 2 tháng đầu năm trước (1,8% so với 7,7%), thể hiện chủ trương tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản. Công nghiệp chế biến- ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất- sau một thời gian tăng thấp hơn tốc độ chung của cùng kỳ và thấp hơn tốc độ tăng chung, thì trong 2 tháng đầu năm nay đã cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước và cao  hơn tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp. Một số tỉnh, thành phố có tốc độ tăng cao hơn tốc độ của cả nước, như Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Đà Nẵng… Chỉ số tồn kho tại 1/2/2013 tăng 19,9%, đã thấp hơn thời điểm 1/1. Những điểm tích cực trên chứng tỏ sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu “thoát đáy vượt dốc đi lên”, là tín hiệu khả quan để tăng trưởng GDP do công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến nói riêng tạo ra cao hơn tốc độ tăng GDP của toàn bộ nền kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào vốn đầu tư và tiêu thụ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả tích cực từ các năm trước và trong 2 tháng đầu năm nay đã góp phần để khu vực có vốn đầu tư nước ngoài so với khu vực kinh tế trong nước đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn (27,3% so với 18,2%) và chắc chắn cũng sẽ có tốc độ tăng GDP cao hơn.
Tái cơ cấu nền kinh tế khởi động chậm trong các năm trước, nhưng 2 tháng đầu năm nay được đẩy mạnh bước đầu.
Đặc biệt, Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nhiều nội dung, trong đó có một số nội dung đáng lưu ý, như duy trì môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, ổn định; mở rộng tối đa phạm vi và cơ  hội cho đầu tư tư nhân; tập trung xử lý nợ xấu, tập trung xử lý tình trạng sở hữu chéo… Đây là tín hiệu khả quan để đẩy mạnh việc giải quyết các điểm nghẽn hiện nay.
Việc thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược có triển vọng được đẩy mạnh, nhất là về cơ sở hạ tầng thông qua công cuộc xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông…
 
Một số vấn đề cần lưu ý
 
Bên cạnh các tín hiệu khả quan, kinh tế trong 2 tháng đầu năm cũng đặt ra một số vấn đề cần được các cơ quan chức năng tham mưu lưu ý.
Những điểm nghẽn lớn của nền kinh tế trong năm trước tuy đã được chỉ đạo giải quyết tích cực trong 2 tháng đầu năm nay (nợ xấu, tồn kho, bất động sản), nhưng giải quyết còn chậm, chưa có nhiều chuyển biến.
Tổng cầu của nền kinh tế tăng thấp, thể hiện ở vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL). Thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong 2 tháng đầu năm mới đạt 10,5% kế hoạch năm và giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn trung ương quản lý còn đạt thấp hơn (8,1%) và giảm nhiều hơn (29,9%); vốn địa phương quản lý dù đạt cao hơn kế hoạch năm (11,3%), nhưng vẫn giảm (0,8%).
Thương mại bán lẻ tính theo giá thực tế tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân 2 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước (tăng 7,04%), thì chỉ tăng 3,6%. Đây là tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng 4,4% của cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 6,2% của cả năm trước và gần như chắc chắn thấp  hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tổng cầu tăng thấp đã góp phần kiềm chế nhập khẩu nên có xuất siêu lớn, góp phần kiềm chế lạm phát, nhưng cũng tác động tiêu cực tới tăng trưởng sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Trong khi các nhiệm vụ của năm bản lề để tạo điều kiện cho các năm sau (tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ba đột phá chiến lược…) cần phải được đẩy mạnh hơn.
 
 
 
Minh Ngọc
Nguồn: chinhphu.vn