|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
và các nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII
- Ảnh: bienphong.com.vn
|
Trước đây, khi tôn vinh phụ nữ, người ta thường chỉ đề cập đến việc tăng tỷ lệ nữ giới về việc tham gia lực lượng lao động, tham gia các hoạt động xã hội, các cơ quan quản lý, lãnh đạo các ngành, các cấp, các doanh nghiệp… Khi nói đến người thày, phần nhiều cũng thường đề cập đến người thày dạy chữ, dạy nghề- tức là lúc con người từ 6 tuổi trở lên. Song, việc học ăn, học nói, học đi, học yêu thương, học những chuẩn mực đạo đức… của con người, cả nam lẫn nữ được hình thành từ rất sớm, từ lúc còn ấu thơ, lại chính là gia đình, mà người có vai trò quan trọng nhất chính là người mẹ, người bà, người chị.
Thiên chức làm vợ, làm mẹ tạo hoá cho người phụ nữ, là người trước hết và chủ yếu giữ lửa trong tổ ấm của đời sống vợ chồng, của gia đình, là “người thày đầu tiên” của con người. Chẳng thế mà trong dân gian từ lâu đã truyền lại lời dạy “Phúc đức tại Mẫu”.
Tiếng nói đầu tiên mà bé bập bẹ chính là tiếng “Mẹ”, tiếng “Bà”, không phải chỉ vì dễ phát âm, mà vì sự thân thương, gần gũi của người Bà, người Mẹ. Trước khi con cái đến trường, hết Mẹ, rồi Bà đã “dắt tay từng bước”. Người Mẹ cũng là người kèm cặp, chia sẻ vui, buồn cho mỗi bước đi trên con đường học hành, đi làm việc, lấy vợ lấy chống và đi lên của con cái.
Nếu coi 50% là tỷ lệ cân bằng trung bình của nữ giới trong tổng dân số, thì tỷ lệ nữ trong tổng số hiện nay về một số lĩnh vực như sau:
|
Nguồn: Tổng cục Thống kê
|
Tỷ lệ nữ giới trong tổng số dân của Việt Nam vào năm 1921, ở mức 50,34%. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, tỷ lệ nữ giới đã tăng lên và đạt đỉnh cao nhất 52,1% vào năm 1975. Mặc dù sau đó đã giảm dần, nhưng năm 2012 vẫn còn khoảng 50,5%.
Phụ nữ chiếm gần một nửa tổng số lực lượng lao động của cả nước và trong một số ngành, lĩnh vực còn cao hơn tỷ trọng của nam giới. Trong khối doanh nghiệp, tuy nữ chỉ chiếm 42,1%, nhưng ở các doanh nghiệp may lên đến 81,5%, ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 66,8%, ở các doanh nghiệp dệt là 60,8%, ở các doanh nghiệp trong toàn ngành công nghiệp chế biến 57,5%.
Trong ngành nông nghiệp và toàn khu vực nông thôn, nữ giới, thậm chí là những người lớn tuổi cũng vượt xa so với nam giới. Trong một số lĩnh vực xã hội, nữ giới cũng chiếm tỷ trọng cao hơn nam giới, như giáo viên phổ thông, học sinh trung học phổ thông, nữ học sinh trung cấp chuyên nghiệp.
Tỷ lệ nữ trong tổng số giáo viên đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên đại học, cao đẳng… tuy chưa vượt qua mốc 50%, nhưng kết quả như hiện nay so với cách đây một vài chục năm và so với nhiều nước, thì đó là những kết quả đáng khích lệ.
Tỷ lệ nữ trong tổng số cán bộ khoa học kỹ thuật, trong đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp, trong các chủ hộ, chủ trang trại, trong các lãnh đạo đảng, nhà nước, đoàn thể các cấp tuy chưa nhiều, nhưng đã tăng lên qua các thời kỳ.
Nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới
Phụ nữ có vai trò to lớn và có được những đóng góp quan trọng như vậy vì cùng với sự nỗ lực phấn đấu của mình, phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, thể hiện ở những chính sách, chủ trương đúng đắn có tính chiến lược.
Tháng 4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TƯ về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tháng 7/2007 Luật bình đẳng giới bắt đầu có hiệu lực. Đây là căn cứ pháp lý và định hướng quan trọng hướng tới thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số phát triển liên quan đến giới của Việt Nam đạt 0,723, cao hơn chỉ số phát triển con người (0,593) và có thứ bậc so với các nước và vùng lãnh thổ, cao hơn thứ bậc tương ứng về chỉ số phát triển con người (cụ thể: ở khu vực là thứ 3 so với thứ 7, ở châu Á là thứ 11 so với thứ 36, trên thế giới là 81 so với 128).
Nguyên nhân chủ yếu đạt được kết quả này là do phụ nữ Việt Nam hiện có tuổi thọ cao hơn của nam giới (75 tuổi so với 71 tuổi) và cao hơn tuổi thọ của nữ giới ở Đông Nam Á (72 tuổi), ở châu Á (71 tuổi), trên thế giới (70 tuổi). Tuổi thọ nữ giới của Việt Nam cao thứ 81 trên thế giới. Một số chỉ tiêu liên quan đến sức khoẻ sinh sản, đến vai trò của phụ nữ ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực.
Tỷ suất sinh đã giảm từ 18,6‰ năm 2005 còn 16,9‰ năm 2012. Tương ứng, tổng tỷ suất sinh (con/phụ nữ) giảm từ 2,11 xuống còn 1,99; tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 17,8‰ xuống còn 15,8‰; tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 26,6‰ xuống còn 23,8‰. Tỷ lệ phụ nữ 15- 49 tuổi sinh con thứ 3 giảm từ 15,1% năm 2010 xuống còn 14,2% năm 2012.
Tỷ lệ tử vong do thai sản của bà mẹ giảm xuống còn ở mức thấp. Hệ thống trạm y tế xã phường, nhà hộ sinh, hệ thống bệnh viện nhi, bệnh viện phụ sản sớm được ra đời và phát triển. Số lượng nữ hộ sinh đã tăng từ 14,2 nghìn người năm 2000 lên 27 nghìn người năm 2010 và có tốc độ tăng cao nhất so với cán bộ ngành y… Chỉ số liên quan đến vai trò của phụ nữ đạt khá (0.554), chỉ số bất bình đẳng giới đã thấp xuống (0,305)...
Minh Ngọc