(Chinhphu.vn) – Đây là một trong những ý kiến được nhiều đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức nêu ra.
|
Ảnh: VGP/Việt Hà
|
Hội nghị trực tuyến được tổ chức ngày 7/3, tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong cả nước.
Cần có Chương độc lập về văn hoá
Cụ thể, đối với Điều 64 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhiều đại biểu đề nghị thêm cụm từ “mục tiêu” vì văn hóa không chỉ là động lực cho sự phát triển mà còn là mục tiêu cho sự phát triển và đề nghị sửa thành “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và là động lực phát triển của đất nước”.
Theo ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, để khẳng định văn hóa là nền tảng thì cần phải có một chương độc lập về văn hóa, xã hội, từ đó sẽ triển khai các văn bản luật sau này cụ thể hơn, rõ ràng hơn.
Theo đó, Chương 3 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên tách thành 3 chương cụ thể đó là Chương Văn hóa xã hội, Chương Giáo dục khoa học công nghệ và Chương kinh tế. “Ba hoạt động này tuy gắn liền với nhau nhưng nếu để khẳng định văn hóa là nền tảng thì cần một chương độc lập”, ông Phạm Đình Thắng nhấn mạnh.
Không nên bỏ 3 điều về Thể dục, thể thao, du lịch, thanh niên
Đối với Điều 41 về Thể dục, thể thao; Điều 42 về Du lịch; Điều 66 về công tác thanh niên mà Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đề nghị bỏ, đa số ý kiến cho rằng nên giữ lại.
Các đại biểu cho rằng, Hiến pháp lần này kế thừa và phát triển những thành tựu và kết quả đạt được qua việc thực hiện Hiến pháp năm 1992. Trong đó 3 mảng công tác này từ thực tiễn đã khẳng định vị trí, vai trò và sự đóng góp tích cực đối với sự phát triển đất nước trong thời gian qua. Về cơ sở lý luận, sự phát triển trong tương lai không thể thiếu những lĩnh vực này.
Đại diện cơ quan Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong xu hướng phát triển trong thế giới hội nhập ngày nay, lĩnh vực thể dục, thể thao phát triển mạnh mẽ, không chỉ bao hàm là sức khỏe mà bao gồm cả vấn đề hội nhập, quan hệ đối ngoại và là một nhu cầu hưởng thụ giá trị.
Phát triển du lịch không những là phát triển kinh tế mà đó còn là nhu cầu giao lưu hợp tác giữa các nước, các dân tộc. Còn về công tác thanh niên, đây là vấn đề về thế hệ trẻ, nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Do đó, những nội dung này cần được giữ lại, chúng ta có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bên cạnh những vấn đề trên đây, một số đại biểu cũng đề nghị cần đưa tên tác giả Quốc ca để bảo vệ quyền tác giả tại Khoản 3 Điều 13 và đề nghị sửa: “Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bài Tiến quân ca – Tác giả Văn Cao”. Nhưng cũng có đại biểu cho rằng, Hiến pháp không cần ghi quá cụ thể như vậy. Có đại biểu đề nghị cần quy định kích thước của ngôi sao trên Quốc kỳ chứ không chỉ quy định kích thức Quốc kỳ như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Về Điều 27 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định công dân nam nữ bình đẳng, có quyền ngang nhau về mọi mặt, được đề nghị thay bằng cụm từ “mọi công dân” vì xu hướng xuất hiện một bộ phận về giới chưa rõ (đồng tính).
Các đại biểu đánh giá, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nhiều nội dung mới, chỉnh lý quan trọng, cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, nhấn mạnh nội dung về dân chủ, vai trò của nhân dân được khẳng định hơn trong kiểm soát và giám sát. Đặc biệt, Dự thảo cập nhật nhiều điểm mới như bổ sung các thiết chế Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, làm rõ quy định về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, cũng như địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh, việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là vấn đề hệ trọng của đất nước và đề nghị các đơn vị đóng góp ý kiến và gửi về trước ngày 15/3 để tổng hợp báo cáo lên Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp.
Cũng trong Hội nghị trực tuyến hôm nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Việt Hà – Đào Chăm