Nguồn vốn ODA: Quan trọng là hiệu quả

(SKHĐTBP) - Trong khi Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình, nhiều ưu đãi về vốn ODA đã bị giảm bớt, điều này đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn này.

 

Trong 20 năm qua, tổng lượng vốn ODA các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam đạt khoảng 76,2 tỷ USD, bình quân đạt trên 3,8 tỷ USD/năm, trong đó mức bình quân năm  đã có xu hướng cao lên qua các thời kỳ (thời kỳ 1993-1995 đạt 2.044 triệu USD, thời kỳ 1996-2000 đạt 2309 triệu USD, thời kỳ 2001-2005 đạt 2.978 triệu USD, thời kỳ 2006-2010 đạt 5.672 triệu USD, thời kỳ 2011-2012 đạt 7.625 triệu USD).
 
Những kết quả tích cực cần khẳng định
 
Tổng lượng vốn ODA giải ngân trong 20 năm qua đạt khoảng 36 tỷ USD. Đây là nguồn ngoại tệ mạnh, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự  trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá trong nhiều năm qua.
 
Nguồn: Tổng cục Thống kê
 
Liên quan đến tỷ giá, cuối năm 1991 so với cuối năm 1990 giá USD tăng gấp đôi (tăng 103,1%). Nhưng từ những năm sau đó cho đến nay, chỉ có một vài năm tăng ở mức 2 chữ số, còn lại là tăng thấp; có 4 năm giảm, trong đó năm 1992 giảm khá sâu, tới 25,8%. Tính chung, cuối năm 2012 so với cuối năm 1992, trong khi giá tiêu dùng cao gấp 4,4 lần, giá vàng cao gấp 8,9 lần, thì giá USD chỉ cao gấp 1,9 lần.
 
So với tổng vốn đầu tư toàn xã hội, lượng vốn ODA giải ngân đạt trên 9%, trong đó 10 năm đầu đạt trên 10%. So với GDP, lượng vốn ODA giải ngân từ 1993 đến nay đạt gần 3,4%, trong đó năm cao nhất (năm 2000) đạt xấp xỉ 5,3%. Trong tổng vốn ODA, có khoảng 20% là vốn không hoàn lại; khoảng 80% là vốn vay. Số 80% vốn vay này được hưởng một số ưu đãi về thời hạn vay dài (30-40 năm), lãi suất vay thấp so với lãi suất vay thương mại, thời gian ân hạn dài (lên đến 10 năm).
 
Lượng vốn cam kết được tập trung, tỷ trọng vốn lớn, với nhiều chương trình, dự án thuộc các ngành, lĩnh vực: giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, năng lượng và công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn và xoá  đói giảm nghèo, cấp thoát nước và phát triển  đô thị, y tế, giáo dục-đào tạo, dân số  và kế hoạch hoá gia đình, môi trường, khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ thực hiện các chính sách...
 
Đưa các chỉ tiêu khả thi thành hiện thực
 
Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ giai đoạn 2011-2015” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra một số nội dung đáng chú ý.
 
Thứ nhất là, ngoài một số lĩnh vực như  trong thời kỳ 1993-2010, định hướng thu hút ODA thời kỳ này đã tập trung vào 3 đột phá chiến lược: hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế.
 
Thứ hai, dự kiến trong thời kỳ 2011-2015, lượng vốn ODA cam kết đạt khoảng 32-34 tỷ USD, bình quân 1 năm đạt khoảng 6,4-6,8 tỷ USD, cao gấp đôi mức bình quân năm thời kỳ 1993-2010 (3,4 tỷ USD). So với dự kiến trên, thì 2 năm 2011-2012 đã thu hút được gần 15,3 tỷ USD, tức là đã đạt được 46%; 3 năm còn lại phải đạt 16,7-18,7 tỷ USD, bình quân 1 năm đạt 5,6-6,2 tỷ USD. Chỉ tiêu này có tính khả thi.
 
Thứ ba, dự kiến trong thời kỳ 2011-2015, lượng vốn ODA giải ngân đạt 14-16 tỷ USD (bằng 6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội), trong đó có 50% từ lượng vốn ODA đã ký kết trong giai đoạn 2006-2010 chuyển sang. Bình quân 1 năm giải ngân đạt 2,8-3,2 tỷ USD. Theo tính toán sơ bộ, 2 năm 2011 và 2012 đã giải ngân đạt gần 7,4 tỷ USD, bằng gần một nửa mức dự kiến trong 5 năm; mức còn lại là 6,7-6,8 tỷ USD, bình quân 1 năm 2,23-2,90 tỷ USD, đó là mức có tính khả thi.
 
Vấn đề quan trọng là các bộ, ngành, lĩnh vực cần đưa các chỉ tiêu mang tính khả thi nói trên vào thực tế phát triển kinh tế-xã hội.
 
Những vấn đề cần chú ý
 
Bên cạnh những kết quả tích cực, cũng còn những vấn đề cần phải giải quyết.
 
Vấn đề quan trọng nhất được đặt ra là nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ODA. Điều này xuất phát từ một số căn cứ đồng thời phải có các giải pháp tương ứng sau đây.
 
Tuy ODA là nguồn vốn quý, nhưng về cơ bản đó là nguồn vốn vay, phải trả cả vốn và lãi. Trước đây có nhiều ưu đãi, nay có những ưu đãi không còn, hoặc giảm liều lượng, khi Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình.
 
Phần trả nợ vay (kể cả  nợ trong nước và nợ nước ngoài) và  viện trợ hiện đã chiếm tỷ lệ tương đối cao (quý I/2013 đã chiếm 12% tổng chi ngân sách và chiếm 15,1% tổng thu ngân sách).
 
Tỷ lệ giải ngân so với cam kết vẫn còn thấp (trên 47%); thời gian triển khai và thi công chậm, làm giảm sự ưu đãi về thời gian ân hạn.
 
Cần xác định rõ vai trò của chủ dự án và trách nhiệm quản lỷ, sử dụng và trả nợ... Vốn đối ứng cũng cần được  xác định từ nhiều nguồn và trách nhiệm của chủ nguồn dự án, chương trình...
 
 
Minh Ngọc
Nguồn: chinhphu.vn