Gắn mục tiêu giảm nghèo vào chương trình xây dựng nông thôn mới

(SKHĐTBP) – Tại hội nghị trực tuyến về giảm nghèo bền vững diễn ra vào ngày hôm qua (22/4), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Nếu người dân không muốn thoát nghèo, cứ muốn nghèo mãi thì chính sách thất bại. Nhưng nếu để người dân tự triển khai thực hiện sẽ rất khó khăn, do đó nhà nước phải đóng vai trò hỗ trợ”.

 

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá những chương trình, chính sách về mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong 2 năm (2011-2012) và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2013. Tại hội nghị, nhiều địa phương cho rằng, muốn giảm nghèo hiệu quả và bền vững cần cóchính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng, mà trong đó cần giảm dần hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp gắn với những nhiệm vụ cụ thể (trồng rừng, phát triển văn hóa, giáo dục…). Có như vậy, mới giúp người nghèo xóa bỏ tâm lý không muốn thoát nghèo, ỉ lại, trông chờ quá nhiều vào chính sách ưu đãi của nhà nước. Hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận, thực tế nhiều địa phương có tình trạng “mất dân chủ trong giảm nghèo”.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong cùng các sở ngành của tỉnh đã tham gia hội nghị tại đầu cầu trực tuyến Bình Phước.
 
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu, các địa phương trong cả nước cần gắn kết giữa thực hiện chủ trương giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới, lồng ghép xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo sẽ mang lại hiệu quả rất cao. Trong đó, quan tâm đến tạo việc làm, gắn với sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá lại toàn bộ các chính sách giảm nghèo hiện hành để có cơ sở phân bổ kinh phí hợp lý. Các địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để thực hiện chính sách giảm nghèo hiệu quả, bền vững.
 
Theo báo cáo hội nghị, trong 2 năm (2011-2012), dù kinh tế đất nước còn khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư vào các chính sách, chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội, với tổng số vốn bố trí cho chương trình giảm nghèo trong 2 năm trên 10.000 tỷ đồng. Nhờ đó trong 2 năm, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm nhanh, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 9,6% năm 2012, bình quân giảm 2,3%/năm./.
 
 
Nhật Chiêu