Chi bộ 1 kể chuyện chuyên đề "Bác Hồ với phụ nữ" vào kỳ họp sinh hoạt Chi bộ định kỳ tháng 3/2013

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 08/3, sinh hoạt Chi bộ định kỳ tháng 3/2013, đ/c Phạm Thị Phông kể chuyện chuyên đề "Bác Hồ với phụ nữ".
 

 

 
KỂ CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ
“Bác Hồ với phụ nữ”
Kỳ họp sinh hoạt Chi bộ định kỳ tháng 3/2013 của đ/c Phạm Thị Phông
 
1. Trình bày mẫu chuyện:
Mẩu chuyện về Bác Hồ với phụ nữ
(Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, theo Báo Bắc Giang Online)
Thường hay được đi với Bác, đến đâu tôi cũng thấy Bác quan tâm hỏi về phụ nữ. Một lần, tới một hội nghị, nhìn suốt dọc hội trường Bác hỏi: "Này các chú, phụ nữ đâu mà không thấy phụ nữ ngồi hàng đầu?" Rồi Bác lại hỏi tiếp: "Các cô gái có đấy không?” “Có ạ”. "Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy".
Đó chính là lời căn dặn cũng như mong muốn của Bác Hồ đối với phụ nữ bởi bao giờ Bác Hồ cũng dành sự quan tâm nhiều nhất đến phụ nữ. Thường khi đi tới đâu hoặc làm việc gì Bác Hồ cũng nói đến phụ nữ và phong trào phụ nữ. Bác thường nhắc: lực lượng phụ nữ không nhỏ, có khi số lượng còn đông hơn nam giới vì thế khi giải quyết việc gì trong dân, điều quan trọng là phải làm như thế nào đối với phụ nữ. ở Việt Nam, châu á, châu Phi, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ rất rõ rệt. Phụ nữ Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt hai lần bị bóc lột: Đế quốc và ý thức hệ phong kiến với "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" đã đè nặng lên người phụ nữ.
Bác Hồ luôn nhấn mạnh như vậy. Vì thế mọi đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ bao giờ cũng chú ý đến phụ nữ. Trong Di chúc của Bác Hồ cũng có những đoạn riêng viết về phụ nữ: "Tháng 5-1968, khi tôi xem lại thư này, tôi thấy cần viết thêm mấy điểm. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách nhiều công việc kể cả lãnh đạo. Phụ nữ phải phấn đấu vươn lên, đây là một cuộc cách mạng".
Khi đi thăm các nước, Bác thường nói với phụ nữ các nước đó: Phụ nữ Việt Nam làm được nhiều việc cho đất nước, phụ nữ Việt Nam thay thế nam giới thực hiện phục vụ cho chiến đấu, sản xuất. Đặc biệt, khi làm chủ nhiệm hợp tác xã (HTX), phụ nữ làm tốt hơn nam giới, cần cù hơn, không lãng phí, không đánh chén. Có lần tại một hội nghị cấp huyện, Bác hỏi: ở đây có Hải Phòng không? Có ạ!. HTX các chú làm thế nào mà phải sang HTX khác mượn lợn để lừa dối cấp trên? Có không? Có ạ. Vậy không nên làm như thế nữa”. Lúc đó, gần tết, Bác kêu gọi tiết kiệm. Bác nói: Các chú phải có văn hóa không được đánh vần chữ "tiết kiệm" thành "tiết canh". Phụ nữ người ta làm chủ nhiệm đâu có đánh chén. Chủ nhiệm phụ nữ thật thà, phải đưa nhiều phụ nữ tham gia làm chủ nhiệm"…
Tuy nhiên, Bác cũng nói: "Phụ nữ ta thường tự ti, có thói quen rụt rè không dám đấu tranh. Phụ nữ là đảng viên cũng mang thói quen đó vào". Bởi thế, phụ nữ phải cố gắng để xứng đáng với sự quan tâm tin yêu mà Bác đã dành cho.
2. Liên hệ bản thân:
Từ mẫu chuyện trên cũng như nhận thức được truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam ta đã có từ 2000 năm. Từ đầu thế kỷ thứ Nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Bản thân tôi xét thấy phụ nữ Sở Kế hoạch và Đầu tư mặc dù làm tốt công tác chuyên môn được giao nhưng vẫn còn rụt rè, e dè, cũng chịu ảnh hưởng thói quen đó từ mấy ngàn năm trước. So với nam giới số lượng nữ giới có chức vụ rất khiêm tốn. Vì vậy bản thân tôi nói riêng và toàn thể nữ Sở KH&ĐT nói chung sẽ cố gắng phấn đấu mọi mặt để được ngang tầm với nam giới, xứng đáng với sự quan tâm, tin yêu mà Bác đã dành cho.
Người đăng: PTP
______________//______________