Bản in     Gởi bài viết  
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bù Đốp tỉnh Bình Phước đến năm 2020

Ngày 24/01/2011 UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 266/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đến năm 2020 với các mục tiêu và những định hướng phát triển chủ yếu như sau:

 

I. Mục tiêu
- Tốc độ tăng dân số thời kỳ 2011-2015 đạt 2,74% và thời kỳ 2016-2020 đạt 2,83%;
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt 12,5%, thời kỳ 2016-2020 đạt 13,5%;
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo xu hướng khu vực I ngày càng giảm, khu vực II và III ngày càng tăng. Đến năm 2015 cơ cấu kinh tế như sau: khu vực I: 68,0%, khu vực II: 10,5% và khu vực III: 21,5%; Đến năm 2020: khu vực I: 52,0%, khu vực II: 17,5% và khu vực III: 30,5%;
- Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 5,5 triệu đồng, năm 2015 đạt 8,7 triệu đồngvà năm 2020 đạt 14,2 triệu đồng (theo giá so sánh). Theo giá hiện hành thì năm 2010 là 11,3 triệu đồng, khoảng 21,8 triệu đồng vào 2015 và đến năm 2020 đạt khoảng 41,2 triệu đồng;
- Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện trong các ngành, lĩnh vực văn hóa xã hội;
- Phấn đấu tăng tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi bậc tiểu học đạt khoảng 95% năm 2015 và đạt 98% vào năm 2020;
- Phấn đấu đạt 100% xã đạt chuẩn y tế quốc gia trước năm 2020. Phấn đấu đạt tỷ lệ khoảng 14,2 giường bệnh/vạn dân vào năm 2015 và 19,2 giường bệnh/vạn dân vào năm 2020. Phấn đấu đạt 2,82 bác sĩ /vạn dân năm 2015 và 5,5 bác sĩ/vạn dân năm 2020.
II. Định hướng phát triển một số ngành và lĩnh vực chủ yếu.
Dựa vào hiện trạng và các lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bù Đốp hiện nay và trong tương lai thì việc xác định định hướng phấn đấu của ngành, lĩnh vực là có căn cứ khoa học, vừa phát huy được tính tích cực, sát với khả năng thực tế của địa phương, vừa phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2006 - 2020, cụ thể:
1. Ngành nông – lâm nghiệp, thủy sản:
Xây dựng nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hoá năng động, có khả năng cạnh tranh cao, bền vững trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm đạt được mục tiêu giá trị sản xuất.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 412.226 triệu đồng vào năm 2015 và đạt 564.103 triệu đồng vào năm 2020, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt gần 4,7 % và giai đoạn 2016-2020 đạt 6,5%.
Ngành nông nghiệp: Trên cơ sở giữ vững vai trò chủ lực của sản xuất trồng trọt, đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi để khai thác thế mạnh của huyện trong phát triển chăn nuôi đại gia súc, đồng thời phát triển các dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 4% và giai đoạn 2015-2020 đạt 6,1%. 
Ngành lâm nghiệp: Chú trọng bố trí trồng rừng trên vùng đất trống, đồi trọc thuộc vùng phòng hộ xung yếu đầu nguồn trên các con sông lớn (sông Bé). Đến năm 2020 giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 32.346 triệu đồng, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 28,9%/năm và giai đoạn 2016-2020 là 12,80%/năm.
Ngành thủy sản: Năm 2020 giá trị sản xuất đạt 13.595 triệu đồng (giá 1994) tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 19,7%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 8,9%/năm. Dự kiến giá trị sản xuất ngư nghiệp năm 2020 theo giá hiện hành đạt 30.300 triệu đồng, với cơ cấu giữa nuôi trồng - khai thác - dịch vụ nuôi trồng là 77 % - 10% - 13%.
2. Ngành công nghiệp - xây dựng:
Ngành công nghiệp - xây dựng đạt 10,5% vào năm 2015 và đạt khoảng 17,5% trong cơ cấu kinh tế của huyện vào năm 2020. Nhịp độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp - xây dựng tăng khá cao, hơn 2-3 lần so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 28,8%/năm và giai đoạn 2016-2020 đạt 29,6%/năm.
Công nghiệp trên địa bàn huyện Bù Đốp: ưu tiên, tập trung đầu tư theo hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng, cơ khí gia công, giày da...Bên cạnh đó vẫn phải chú trọng phát triển ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp truyền thống ở nông thôn; sử dụng có hiệu quả nguồn lao động nhàn rỗi theo thời vụ trong nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở khai thác, sử dụng các nguồn nguyên liệu trong tỉnh và các vùng giáp ranh. Hình thành cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, quy mô dự kiến là 50 ha. Thu hút dự án thuộc các ngành nghề chế biến nông lâm sản, may mặc, đồ gỗ…
3. Ngành thương mại, dịch vụ:
 Phát triển hoạt động thương mại dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các loại hình kinh doanh với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Phát triển các loại hình dịch vụ để tăng tỷ trọng giá trị dịch vụ. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 22,5% và giai đoạn 2016 - 2020 là 18,3%.  Đẩy mạnh phát triển nội thương, tăng cường quan hệ, hợp tác phát triển, mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, tăng thêm nguồn thu ngoại tệ. Liên kết mặt hàng, nguồn hàng với các tổng công ty, các thành phố lớn trong vùng nhằm đa dạng hóa các mặt hàng.
4. Phát triển kết cấu hạ tầng:
Từng bước nâng cấp và xây dựng mới kết cấu hạ tầng giao thông thông suốt, nối liền các xã trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Phát triển giao thông nông thôn theo xu thế đô thị hóa nông thôn. Dự kiến từ nay đến năm 2020, tiếp tục xây dựng mới và cải tạo nâng cấp duy tu bảo dưỡng hệ thống giao thông trên địa bàn.
Mở rộng trên toàn địa bàn huyện mạng lưới thông tin liên lạc, đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh và liên lạc của nhân dân trong huyện. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng điện thoại bình quân đạt 26 máy/100 dân; tỷ lệ sử dụng internet đạt khoảng 35% dân số toàn huyện.
Phấn đầu hoàn thành điện khí hóa nông thôn trên địa bàn huyện, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu điện cho các khu vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ và đặc biệt là các cụm công nghiệp. Đến năm 2015 tỷ lệ số hộ sử dụng điện đạt trên 90% tổng số hộ trên địa bàn huyện. Phấn đấu đến năm 2020, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt trên 95%.
Xây dựng tại trung tâm huyện một dự án cấp nước sinh hoạt có quy mô thiết kế là 500 m3/ngày đêm. Dự kiến vào năm 2020, có thể đáp ứng được nước sạch sinh hoạt cho khoảng 12.000 người với công suất 2.300 m3/ ngày đêm. Đến năm 2015, tỷ lệ các hộ dùng nước sạch là 85% và phấn đấu đạt trên 95% vào năm 2020. Song song với việc xây dựng và phát triển hệ thống cấp nước là việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, rác thải. Các khu vực nông thôn và vùng xa cần phải đảm bảo rằng người dân làm bể tự hoại theo đúng tiêu chuẩn để tránh ô nhiễm môi trường.
5. Các ngành, lĩnh vực văn hóa - xã hội:
Giáo dục - Đào tạo: Phát triển hệ thống Giáo dục - Đào tạo toàn diện từ các bậc học, đào tạo nghề với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện các chính sách thu hút đội ngũ cán bộ đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, chuẩn hóa nội dung, hoàn chỉnh chương trình, nâng cao chất lượng dạy và học. Tăng cường đầu tư xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới trường học, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nâng tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi học mẫu giáo đạt 92% vào năm 2015 và đạt 96% vào năm 2020. Huy động học sinh đi học trong độ tuổi cấp trung học cơ sở đạt 98% năm 2020. Nâng tỷ lệ huy động học sinh đi học trong độ tuổi cấp trung học phổ thông đạt 90% năm 2015 và khoảng 90% năm 2020.
Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Duy trì, đảm bảo 100% xã có trạm y tế. Đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở y tế, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị. Giai đoạn 2011-2015 dự kiến đạt tổng số 91 giường bệnh (trong đó bệnh viện 70 giường bệnh, tuyến xã 21 giường bệnh). Khoảng 14,2 giường bệnh/vạn dân vào năm 2015 và khoảng 19,2 giường bệnh/vạn dân vào năm 2020. Khoảng 2,82 bác sĩ/vạn dân vào năm 2015 và 5,5 bác sĩ/vạn dân vào năm 2020. Đảm bảo 100% trạm y tế có biên chế bác sĩ, tất cả các trạm y tế xã, thị trấn có y sĩ sản nhi và nữ hộ sinh. Phấn đấu và duy trì 100% thôn ấp có nhân viên y tế cộng đồng. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình giảm tỷ lệ tăng tự nhiên xuống dưới 1,0% vào năm 2015 và còn 0,98% vào năm 2020.
Phát triển văn hoá thông tin - thể dục thể thao: Phấn đấu số hộ được xem truyền hình và nghe đài tiếng nói Việt Nam đến năm 2015 là 100%. Tăng cường công tác quản lý, kiên quyết bài trừ tệ nạn xã hội, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại, thiếu lành mạnh. Tiếp tục duy trì các môn thể thao thế mạnh của huyện như cờ tướng, bóng chuyền, võ thuật, việt dã
Chính sách xã hội: Công tác "Đền ơn đáp nghĩa"tiếp tục duy trì và phát triển. Chính sách chăm lo cho các đối tượng có công với nước được đặc biệt ưu tiên. Thường xuyên làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng, hỗ trợ y tế, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ nghèo.
6. Các lĩnh vực khác:
Tài chính, ngân hàng: Đẩy mạnh phát triển hơn nữa các hoạt động dịch vụ tín dụng, ngân hàng nhằm đảm bảo huy động các nguồn vốn trong xã hội và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả vốn đầu tư phát triển.
Quốc phòng - An ninh: Nâng cao chất lượng và củng cố số lượng quân thường trực đáp ứng yêu cầu chính quy - hiện đại. Xây dựng lực lượng tinh nhuệ, giỏi về nghiệp vụ, vững về chính trị, chống diễn biến hoà bình. Thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
III. Các giải pháp thực hiện quy hoạch.
1. Huy động vốn:
Nhu cầu nguồn vốn đầu tư toàn huyện trong giai đoạn 2011-2015 là 2.297,4 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 5.294 tỷ đồng. Cả giai đoạn 2011-2020 là 7.591,4 tỷ đồng. Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, giải pháp quan trọng nhất quyết định mức tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội là huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, phát huy cao các nguồn nội lực đồng thời tạo mọi điều kiện để tranh thủ khai thác các yếu tố, nguồn vốn từ bên ngoài.
2. Cơ chế, chính sách:
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, thông tin quảng bá kịp thời các dự án đầu tư thuộc ngành và lĩnh vực có lợi thế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận với các dự án trên địa bàn huyện
Phát triển mạnh kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác xã, gắn sản xuất với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và nhu cầu thị trường.
Quán triệt và triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
3. Phát triển nguồn nhân lực:
Thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình để đạt quy mô dân số và cấu trúc dân số hợp lý tạo điều kiện thuận lợi trong việc đào tạo và định hướng phát triển nguồn nhân lực.
Đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có tri thức và trình độ văn hóa cơ bản.
Xúc tiến xây dựng các trung tâm dạy nghề để đào tạo cho thanh niên trong vùng, ưu tiên miễn giảm học phí cho thanh niên ở các xã nghèo, các hộ nghèo, các đối tượng chính sách.
Phối hợp với các cơ sở đào tạo và trung tâm dạy nghề của tỉnh để nâng cao kiến thức và chất lượng công tác dạy nghề.
Mở mang ngành nghề để đón nhận và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực trẻ đã được đào tạo. Thu hút lao động có trình độ về làm việc tại huyện với chế độ đãi ngộ hợp lý.
4. Phát triển khoa học công nghệ:
Đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; coi trọng việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong công nghệ chế biến; giải quyết căn bản được các vấn đề về giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao.
Hoàn thiện mạng lưới khuyến nông, khuyến ngư từ huyện đến cấp xã, ấp. Tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật và đào tạo tại chổ cho cán bộ khuyến nông, khuyến ngư lĩnh vực công nghệ, quản trị, kinh doanh, bảo vệ môi trường. Xây dựng kế hoạch chuyển giao tiến bộ kỹ thuật kịp thời, trực tiếp đến người sản xuất. Kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường.
 
Quyết định số 266/QĐ-UBND

 

Người đăng: NĐN

[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)