Bản in     Gởi bài viết  
Tăng cường xã hội hóa thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt 

(CTTĐTBP) – Công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (rác) trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến môi trường, đời sống, văn hóa ở khu dân cư. UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý công tác này.

Tiến tới cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình quản lý các xí nghiệp,
đội quản lý đô thị thành các công ty dịch vụ đô thị. Ảnh: Kim Phụng.
 
Một thực tế đã được chứng minh là ở nhiều nơi, trên các trục đường chính, tại các khu vực trung tâm xã, trường học, chợ… tình trạng rác thải sinh hoạt vứt xả tràn lan, không được thu gom kịp thời khá phổ biến. Công tác quy hoạch, thu gom, xử lý rác trên địa bàn tỉnh nói chung và tại các xã vùng sâu vùng xa, nơi địa bàn dân cư sống thưa thớt nói riêng còn nhiều bất cập, vì chưa đủ nhân lực, kinh phí để triển khai thực hiện đồng bộ, cũng như ý thức của người dân về vấn đề này chưa cao.
 
Để chấn chỉnh và phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị đối với công tác này, UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị, văn hóa nông thôn. Về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn các xã, thị trấn, Sở Xây dựng cần chủ trì, phối hợp các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã tham mưu UBND tỉnh phương án tái cấu trúc, cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình quản lý các xí nghiệp, đội quản lý đô thị thành các công ty dịch vụ đô thị để tiến đến xã hội hóa, đấu thầu các dịch vụ đô thị, trong đó có hoạt động thu gom, xử lý rác thải.
 
Đối với các xã, thị trấn có các khu dân cư tập trung, giao Sở Xây dựng phối hợp UBND thị xã Đồng Xoài cụ thể hóa mô hình thu gom rác thải tại xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) để nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Các xã còn lại, các khu dân cư thưa thớt, xa đô thị và khu dân cư tập trung nhưng đường đi lại khó khăn không áp dụng được mô hình, thì UBND xã cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác, đào hố chôn lấp rác của từng hộ gia đình cho hợp lý. Trong trường hợp có thể tổ chức thu gom thì nên tiến hành cho xây thùng rác cố định (20-50 m2) tại vị trí thích hợp và có tường bao cao khoảng 2 m để tập kết rác, đốt hoặc xử lý.
 
 
 
Mô hình xã hội hóa thu gom rác thải xã Tiến Hưng
 
 
Mô hình này được triển khai tại xã Tiến Hưng, Đồng Xoài từ năm 2011, khởi điểm ở 3 tuyến dân cư với 450 hộ đăng ký thu gom rác thải. Đến năm 2012, mô hình mở rộng thêm ở nhiều tuyến dân cư, với tổng số hộ đăng ký thu gom rác gần 800 hộ. Số tiền lệ phí rác thải thu được trong năm 2012 gần 110 triệu đồng. Sau khi triển khai thực hiện mô hình, vệ sinh môi trường trên địa bàn được cải thiện; đường làng, ngõ xóm sạch sẽ hơn; rác thải sinh hoạt được thu gom kịp thời, hàng ngày.
 
 
Đến nay, xã Tiến Hưng đã thành lập được 3 tổ thu gom rác tại 4 ấp, mỗi tổ 1-2 người trực tiếp thu gom, vận chuyển rác về các điểm tập kết. Người thu gom rác cũng chính là người trực tiếp thu lệ phí rác thải của từng hộ dân trên địa bàn phụ trách. Theo đó, rác thải sinh hoạt được các hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp cho vào bịch và để trước cổng theo giờ quy định, để người thu gom đến lấy và chở về nơi tập kết rác. Tiền lương cho người thu gom rác do chính các hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp trả bằng việc đóng lệ phí thu rác thải hàng tháng.
 
Kim Phụng
 
 
 
 
Nhật Phong
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)