• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
“Giấy phép con” trong đấu thầu: Căn cứ vào đâu mà vẫn cấp phép thầu? 

Trước thực tế hoạt động cấp giấy phép thầu vẫn diễn ra dù Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành hơn 1 năm nay, Báo Đấu thầu tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân vì sao có sự “trái chiều” giữa thực tiễn áp dụng và quy định của Chính phủ.

 

IMG

Dù đã có quy định “Nhà thầu nước ngoài được lựa chọn theo quy định của Luật Đấu thầu không phải xin cấp giấy phép thầu”, nhưng thực tế cấp phép thầu vẫn diễn ra

 Ảnh: Tất Tiên

Theo thông tin của Báo Đấu thầu, mới đây, ngày 14/9/2015, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp giấy phép thầu cho nhà thầu: Công ty Xây dựng SUMITOMO MITSUI (SUMITOMO MITSUI CONSTRUCTION., CO.LTD - gọi tắt là nhà thầu SUMITOMO MITSUI) là pháp nhân thuộc nước Nhật Bản (Giấy phép thầu số 05/2015/QĐ-SXD).

Theo đó, các căn cứ được ghi trên Giấy phép thầu này bao gồm: Luật Xây dựng ngày 18/6/2014; Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Thông tư số 01/2012/TT-BXD ngày 8/5/2012 hướng dẫn về thủ tục cấp giấy phép thầu và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam.

Trước đó, nhà thầu SUMITOMO MITSUI đã có đơn và hồ sơ đề nghị được cấp giấy phép thầu để được nhận thầu chính thực hiện việc xây dựng Dự án Cải tạo Nhà máy ENPLAS (tháo dỡ phần cơ điện nhà máy K3 và công tác hoàn thiện của nhà máy K3&K4) tại Lô số K3 và K4, Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội. Chủ đầu tư là Công ty TNHH ENPLAS Việt Nam (gọi tắt là ENPLAS Việt Nam) đã có thư giao thầu cho nhà thầu tại Văn bản ngày 18/8/2015. ENPLAS Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội, là một công ty con của ENPLAS Nhật Bản, chuyên về sản xuất thiết bị. Tập đoàn ENPLAS được thành lập tại Nhật Bản vào năm 1962.

Băn khoăn về các căn cứ cấp giấy phép thầu, chúng tôi có đặt câu hỏi và tham vấn ý kiến các chuyên gia về đấu thầu. Theo các chuyên gia này, Luật Xây dựng 2014 không đề cập đến cấp phép thầu và giấy phép thầu. Đồng thời, chúng tôi có hỏi về “căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP” được ghi trong giấy phép thầu thì được một cán bộ làm thủ tục cấp phép thầu cho biết: “Cái này không liên quan đến việc cấp phép gì cả, đây là Nghị định bình thường. Còn việc cấp phép là theo Thông tư số 01/2012/TT-BXD”.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12, tại Điều 83 quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau: Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực (Khoản 1); Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn (Khoản 2). 

Tham vấn ý kiến của một số luật sư tư vấn pháp luật lâu năm cũng như tham khảo thực tiễn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam, liên quan đến vấn đề cấp phép thầu, chúng tôi được biết, về nguyên tắc, khi áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan cấp dưới ban hành không được trái với quy định của văn bản cấp cao hơn, văn bản ban hành sau sẽ thay thế văn bản ban hành trước; nếu hai văn bản cùng quy định về một vấn đề thì chọn áp dụng văn bản cấp cao hơn. Nghị định số 63/2014/NĐ-CP là văn bản được ban hành sau (năm 2014) và do Chính phủ ban hành, còn Thông tư số 01/2012/TT-BXD được ban hành trước (năm 2012) bởi Bộ Xây dựng. Do đó, nếu Thông tư có quy định khác với Nghị định thì việc áp dụng phải theo Nghị định.

Như vậy, dù đã có quy định “Nhà thầu nước ngoài được lựa chọn theo quy định của Luật Đấu thầu không phải xin cấp giấy phép thầu” (Điểm d Khoản 1 Điều 128 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP), nhưng thực tế cấp phép thầu vẫn diễn ra (xem Kỳ 1 và Kỳ 2 bài “Giấy phép con” trong đấu thầu đăng trên Báo Đấu thầu số 204 và 205, phát hành các ngày 27 và 28/10/2015). Và với thực tiễn áp dụng văn bản pháp luật như vậy, dư luận không khỏi băn khoăn trước câu hỏi tại sao Nghị định số 63/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đã hơn 1 năm nay (kể từ ngày 15/8/2014); quy định tại Nghị định này đã tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các nhà thầu, chủ đầu tư và các cá nhân, đơn vị liên quan, song phải chăng, có sự “cố tình” lựa chọn áp dụng Thông tư số 01/2012/TT-BXD và bỏ quên quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP?

Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc các vấn đề xung quanh “giấy phép con” trong đấu thầu trong các số báo tiếp theo.

 

Hoàng Liên

Nguồn: muasamcong.vn

Người đăng: T.An

[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)