(Chinhphu.vn) - Các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã có nhiều đóng góp cho ngân sách và an sinh xã hội nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn phải giải quyết để DNNN nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy tốt nhất vai trò của mình.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh VGP/Công Việt
Đây là một nội dung được thảo luận tại Hội thảo Phát huy vai trò doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” doĐảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp tổ chức ngày 6/6.
Báo cáo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết: Đóng góp cho ngân sách của các DNNN liên tục tăng, năm 2013 đạt trên 297 nghìn tỷ đồng, tăng trên 25% chiếm 36% tổng thu ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch thu ngân sách cả nước.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, DNNN tiếp tục khẳng định vai trò là công cụ vật chất quan trọng để Đảng và Chính phủ điều tiết thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc phòng; đảm bảo việc làm và đời sống cho trên 1,3 triệu lao động. Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án trọng điểm của đất nước, có yêu cầu cao về công nghệ, về quy mô đã được các DNNN hoàn thành xuất sắc...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của DNNN còn nhiều điểm cần khắc phục. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng các DNNN nắm giữ nhiều nguồn lực nhưng kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, có tình trạng đầu tư dàn trải, một số doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, làm thất thoát nguồn vốn và tài sản được giao; một số nơi cán bộ lãnh đạo chủ chốt vi phạm pháp luật... làm xấu đi hình ảnh DNNN trong dư luận nhân dân.
GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, cũng cho rằng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp Nhà nước còn thấp. Ông Huệ dẫn chứng qua số liệu nghiên cứu của WB giai đoạn 2000-2008: Các DN này đang sử dụng 70% đất đai, 70% vốn viện trợ ODA, 60% tín dụng của nền kinh tế nhưng lại chỉ đóng góp 32% tổng GDP quốc gia.
Hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường kỷ luật thị trường
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cho rằng: Một trong những điểm nghẽn hiện nay là cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào DNNN, việc “nới room” cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quá chậm. “Quy định hiện nay là 49%, nhưng tôi nghĩ không phải các lĩnh vực tất cả hạn chế, những lĩnh vực cần thiết cổ phần hóa có thể bán hết cổ phần, nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư 100%", ông Học nói.
Còn đại diện Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) góp ý: Cần phải giải quyết được mâu thuẫn mục tiêu công ích và mục tiêu lợi nhuận để đảm bảo lợi ích cho cổ đông. Chức năng hỗ trợ điều tiết vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội của DNNN phải được thay thế bằng cơ chế đặt hàng của Nhà nước, được hạch toán theo cơ chế thị trường.
Dưới góc độ chuyên gia, TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: Cần tách mục tiêu, nhiệm vụ xã hội, nếu có, phải hạch toán riêng, công khai và minh bạch, Chính phủ phải bù đắp chi phí thực hiện các nhiệm vụ. Phải áp dụng đầy đủ kỷ luật thị trường và chế độ ngân sách cứng đối với DNNN. Khi khó khăn thua lỗ trong kinh doanh, quyết không được “xin”, giảm hay hoãn, dãn nộp thuế, giảm hoãn, khoanh nợ, giảm lãi suất, không xin hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hay bất cứ ưu đãi cá biệt nào khác mà phải giải quyết theo quy luật thị trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động, DNNN phải tự đổi mới, sắp xếp lại, đi đầu trong đổi mới và ứng dụng KHCN-KHKT. Quyết liệt, đẩy mạnh cổ phần hoá theo phương án đã phê duyệt. Đối với thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính, xác định cụ thể loại vốn nào cần thoái ngay, loại vốn nào cần theo lộ trình để có hiệu quả; hoàn thành việc thoái vốn trước ngày 31/12/2015.
Đồng thời, các đơn vị này cần tập trung nâng cao quản trị doanh nghiệp, thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động theo quy định. Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu, tăng cường trách nhiệm, quyền hạn và chỉ đạo của đơn vị đối với người đại diện vốn của công ty mẹ trong các doanh nghiệp khác. Cần tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động của DNNN với sự phối hợp của các cơ quan báo chí, truyền thông đấu tranh với những thông tin sai lệch về DNNN.
Huy Thắng
Người đăng: T.An