Ảnh minh họa
Trong đó, đáng chú ý là Nghị định số
24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nghị định áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm có sở và cơ quan ngang sở.
Các cơ quan: Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Khu kinh tế và Ban Quản lý có tên gọi khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này.
Nghị định quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của sở, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sở; tổ chức các sở thuộc UBND cấp tỉnh.
* Ngày 7/4/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số
27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình.
Nghị định được ban hành để đảm bảo cho lao động là người giúp việc gia đình được bình đẳng về quyền lợi chung như các lao động khác; đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn về xử lý quan hệ phát sinh trong quá trình thuê mướn, sử dụng lao động giúp việc gia đình.
Nghị định quy định một số điều khoản áp dụng phù hợp với đặc điểm của công việc giúp việc gia đình như: ký kết hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động không biết chữ; trách nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết trước khi ký kết hợp đồng lao động; các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động giúp việc gia đình (khác với các hợp đồng lao động nói chung).
Nghị định quy định các nội dung liên quan đến tiền lương trên cơ sở thoả thuận của người sử dụng lao động và người lao động, phù hợp với tính chất đặc thù của lao động giúp việc gia đình, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc và tiêu chuẩn tối thiểu mà Bộ luật lao động đã quy định.
* Nghị định số
29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước
Nghị định được ban hành nhằm khắc phục một số vướng mắc trong việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đang được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật; phân cấp xử lý đối với một số loại tài sản phù hợp hơn và tăng khả năng điều hòa xử lý tài sản.
Nghị định gồm 5 chương, 40 điều quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và việc quản lý, xử lý đối với tài sản sau khi được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với các loại tài sản: Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật; tài sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm, di sản không người thừa kế, hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan; tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước; tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết.
* Nghị định số
31/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú được Chính phủ ban hành ngày 18/4/2014.
Theo Nghị định, nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống.
Nghị định cũng quy định rõ về chỗ ở hợp pháp; giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp; thời hạn đăng ký thường trú; điều kiện công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.
* Nghị định số
36/2014/NĐ-CP ngày 19/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra quy định các biện pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi, chế biến cá tra; chấn chỉnh lại hoạt động nuôi, chế biến cá tra thương phẩm; qua đó điều tiết nguồn cung cá tra phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời quản lý chất lượng cá tra thương phẩm xuất khẩu từ công đoạn nuôi, chế biến.
Nghị định cũng quy định 4 nội dung để quản lý hoạt động xuất khẩu sản phẩm cá tra: 1- Điều kiện của thương nhân xuất khẩu sản phẩm cá tra; 2- Đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra; 3- Giá sàn sản phẩm cá tra xuất khẩu; 4- Xử lý vi phạm trong xuất khẩu sản phẩm cá tra.
Đồng thời Nghị định cũng quy định cụ thể, trực tiếp trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các quy định của Nghị định như các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài chính; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hiệp hội ngành hàng.
* Ngày 7/4/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các thay đổi trong thực tế quản lý, điều hành giá điện, các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và các văn bản có liên quan; tạo cơ sở pháp lý cho việc điều hành hiệu quả, linh hoạt giá bán điện cho các nhóm khách hàng, tạo cơ chế quản lý, điều hành giá bán điện minh bạch, rõ ràng.
Theo Quyết định này, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là bảng kê tỷ lệ % của mức giá bán lẻ điện bình quân để tính giá bán lẻ điện cụ thể cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện.
Về nguyên tắc xây dựng cơ cấu biểu giá, Quyết định này quy định giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt; Giá bán lẻ điện theo các cấp điện áp (từ 110kV trở lên, từ 22kV đến dưới 110kV, từ 6kV đến dưới 22kV và dưới 6kV) áp dụng cho các nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp.
Giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày cho mục đích sản xuất, kinh doanh tại các cấp điện áp được áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện đủ điều kiện; giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 6 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước được áp dụng khi điều kiện kỹ thuật cho phép đối với nhóm khách hàng mua điện tạm thời và mua điện ngắn hạn sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt; hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Áp dụng giá bán điện khu vực nối lưới điện quốc gia cho khách hàng sử dụng điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia.
* Cũng trong tháng 4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.
Theo Quyết định, đối tượng vay vốn, gồm: Cá nhân vay vốn: người nhiễm HIV; người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; người bán dâm hoàn lương; hộ gia đình vay vốn là hộ gia đình có thành viên thuộc một trong các trường hợp sau: người nhiễm HIV/AIDS; người sau cai nghiện ma túy; người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; người bán dâm hoàn lương.
Quyết định quy định cụ thể các điều kiện và giấy tờ cần thiết của cá nhân để chứng minh họ thuộc đúng đối tượng cho vay của Quyết định và một số điều kiện khác theo quy định của Ngân hàng chính sách xã hội; quy định trình tự, thủ tục để Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận người vay thuộc đúng đối tượng cho vay.
Theo Quyết định, mức cho vay đối với cá nhân tối đa 20 triệu đồng/cá nhân; đối với hộ gia đình tối đa 30 triệu đồng/hộ; lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định; lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.
Hoàng Diên
Người đăng: T.An