• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Cải cách hành chính: Kinh nghiệm từ quốc tế 

(Chinhphu.vn) - Các nước trên thế giới đều xem cải cách hành chính như một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và các mặt khác của đời sống xã hội. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong hoạt động quản lý Nhà nước của mỗi nước.

Tại Nhật Bản, cuối năm 1996, Hội đồng Cải cách hành chính (CCHC) và cải cách cơ cấu được thành lập. Đến tháng 6/1998, nước này ban hành đạo luật cơ bản về cải cách cơ cấu Chính phủ Trung ương và lập Ban Chỉ đạo cải cách cơ cấu Chính phủ Trung ương. Đây được coi là một cuộc cải cách lớn nhất kể từ thời Minh Trị đến nay.
Công tác CCHC với mục tiêu xây dựng một chính phủ có bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả cao nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Thủ tướng và Nội các. Phương pháp thực hiện là tổ chức lại và giảm số lượng các bộ, xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính độc lập, quy định rõ phạm vi thẩm quyền và nâng cao hiệu quả việc phối hợp công tác giữa các cơ quan; thiết lập một hệ thống tiêu chí nhằm đánh giá các chính sách, tách bộ phận hoạch định chính sách khỏi các cơ quan có chức năng tổ chức, đẩy mạnh tư nhân hóa, thuê khoán bên ngoài một loạt dịch vụ.
Kết quả thu được rất đáng khích lệ: Bộ máy Chính phủ Trung ương được thu gọn, từ 23 bộ và 1 văn phòng xuống còn 12 bộ và 1 văn phòng; số lượng các tổ chức bên trong của các cơ quan hành chính (CQHC) giảm từ 128 đơn vị cấp vụ, cục và tương đương xuống còn 96 đơn vị; từ 1.600 đơn vị cấp phòng và tương đương thuộc các cơ quan, tổ chức, giảm xuống còn 995 đơn vị. Số lượng công chức làm việc tại các CQHC giảm khoảng 300.000 người. Trước cải cách, đa phần các chính sách được các bộ đề xuất, sau cải cách thì những chính sách quan trọng có tầm chiến lược được Thủ tướng chỉ đạo và đề xuất.
Ở Hàn Quốc, cuộc khủng hoảng năm 1997 đã buộc nước này đối diện với một nhận thức thực tế là các phương thức cũ trong điều hành bộ máy Nhà nước đã trở nên lạc hậu trong giai đoạn mới. Do đó, Hàn Quốc đã khẩn trương nghiên cứu những bài học kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Chương trình cải cách khu vực công, tập trung trên 4 lĩnh vực chính: Hợp tác, tài chính, lao động và khu vực công, trong đó xem việc tăng cường thúc đẩy cơ chế thị trường là nhiệm vụ trọng tâm.
Hàn Quốc đã thành lập Ủy ban đặc trách trực thuộc Tổng thống, chịu trách nhiệm lập kế hoạch ngân sách, cải cách Chính phủ và đưa vào thử nghiệm nhiều ý tưởng cải cách mới. Cải cách được tiến hành tại tất cả các đơn vị thuộc khu vực công, với trọng tâm là tái cơ cấu nhằm làm gọn nhẹ bộ máy, áp dụng nguyên tắc cạnh tranh và nguyên tắc chất lượng thực thi công việc.
Với Singapore, những kết quả đạt được trong quản lý và phát triển kinh tế của nước này xuất phát từ việc CCHC được quan tâm thực hiện từ đầu những năm 1970 và có chính sách thu hút nhân tài rõ ràng, đúng đắn, đặc biệt là từ năm 1991, Singapore khởi động chương trình “Nền công vụ thế kỷ 21”. Một số biện pháp đồng bộ đã được áp dụng, đó là: Bộ quy chuẩn ISO 9000 trong bộ máy hành chính; đưa tinh thần “doanh nghiệp” vào hoạt động của bộ máy hành chính mà cốt lõi là lấy hiệu quả làm thước đo; thành lập Ủy ban hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tìm hiểu, đánh giá và đề xuất phương án giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp; đề ra chương trình xoá bỏ cách làm việc quan liêu, nhiều tầng nấc của bộ máy hành chính với mục tiêu là việc gì cũng phải có cơ quan chịu trách nhiệm; thường xuyên rà soát để loại bỏ những quy định lỗi thời không còn phù hợp; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, coi đó là giải pháp cơ bản nhất để xây dựng nền công vụ hiệu quả.

Từ năm 1983 đến nay, Singapore đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức để áp dụng công nghệ mới. Hiện nước này đã cung cấp dịch vụ công qua Internet và dự kiến sẽ giải quyết công việc của dân qua điện thoại di động trong mọi thời điểm.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, hiện nay Singapore đứng ở nhóm những nước dẫn đầu về tốc độ phát triển chính phủ điện tử và đang bước sang giai đoạn “phát triển công dân điện tử”.
Tại châu Âu, nội dung CCHC chủ yếu của cả Pháp và Đức đều tập trung vào giảm gánh nặng hành chính cho người dân và doanh nghiệp; giảm quan liêu và chi tiêu công; đẩy mạnh hành chính điện tử. Mục tiêu là xây dựng nền hành chính hướng tới phục vụ cộng đồng.
Xu hướng chung của các nước này là đặc biệt quan tâm đến các giải pháp kiểm soát đầu ra, tính toán chi phí quản lý đối với từng loại, từng lĩnh vực hoạt động, kể cả phí tổn mà người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu khi thực hiện thủ tục hành chính. Trong chương trình cải cách hành chính của 2 nước này, vấn đề xây dựng và phát triển nền hành chính điện tử được xác định là trọng tâm ưu tiên.
Theo kinh nghiệm của nước Đức, để xây dựng và phát triển thành công chính quyền điện tử, cần 4 yếu tố quan trọng, đó là: Quyết tâm chính trị của Chính phủ, đặc biệt là của người đứng đầu; chú trọng khâu đào tạo công chức; cải tiến quy trình, quy chế làm việc và tổ chức, hoạt động bộ máy hành chính; xây dựng hạ tầng kỹ thuật (mạng điện tử)...
Học hỏi những bài học, kinh nghiệm của các nước khác là một cách để chúng ta tìm ra những biện pháp và hướng đi phù hợp trong công cuộc cải cách hành chính.
 
 
Nguyễn Chiến
Nguồn: chinhphu.vn
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)