Thưa Bộ trưởng, vì sao chủ đề cải cách thể chế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam lại được đặt ra tại VDPF 2014?
Đây là lần thứ hai, VDPF được tổ chức và sẽ tập trung thảo luận hai chủ đề chính là cải cách thể chế kinh tế và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đây là những vấn đề rất hệ trọng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Với cải cách thể chế kinh tế, có thể nói, đây là vấn đề mang tính thời sự. Tới thời điểm này, mọi người dân, mọi doanh nghiệp (DN), các cơ quan quản lý, các đối tác phát triển của Việt Nam… đều đã nhận thấy rằng, những động lực giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong 30 năm qua, như khai thác tài nguyên, tăng đầu tư… đang dần dần thu hẹp dư địa. Bởi vậy, không chỉ vì tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm cho nền kinh tế Việt Nam suy giảm tốc độ tăng trưởng, mà còn do cấu trúc nội tại của nền kinh tế không còn phù hợp với điều kiện phát triển mới.
|
|
|
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh |
|
Do đó, cải cách thể chế kinh tế để tạo ra xung lực mới cho nền kinh tế là đòi hỏi khách quan và cần thiết. Mong muốn của chúng ta là tìm ra được một hướng đi mới cho thể chế kinh tế Việt Nam, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo ra những động lực mới để nền kinh tế Việt Nam đi lên, thoát bẫy thu nhập trung bình, phát triển với tốc độ nhanh hơn, để theo kịp và không bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Một điều quan trọng khác, Việt Nam đang chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp trong năm tới, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2016. Đại hội Đảng sẽ quyết định những chủ trương lớn cho quá trình phát triển mới của Việt Nam. Sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Đảng cũng đang trăn trở tìm đường hướng cải cách để tạo động lực tăng trưởng mới. Như vậy, cải cách thể chế kinh tế không chỉ là tất yếu khách quan ở vào thời điểm quan trọng khi Việt Nam chuẩn bị bước sang giai đoạn phát triển mới, mà còn là mong muốn của toàn Đảng, toàn dân.
Vì tính chất quan trọng như vậy, nên việc Việt Nam chuẩn bị cho cải cách thể chế kinh tế đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển. Họ cũng mong muốn cùng Chính phủ thảo luận để xác định xem Việt Nam đang ở đâu, nên cải cách thể chế kinh tế theo hướng nào, từ đó hỗ trợ nguồn lực ODA để Việt Nam thực hiện các định hướng, mục tiêu đó.
Vậy còn với chủ đề thứ hai - tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thưa Bộ trưởng?
Tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế chính là liên quan đến việc phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam. Xét cho cùng, bất cứ quốc gia nào muốn đi lên cũng phải phát triển hệ thống DN nội địa, chứ không thể coi khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là chủ thể của nền kinh tế. Bởi vậy, mặc dù thời gian qua, cũng như các quốc gia khác, Việt Nam đã đẩy mạnh thu hút FDI để tranh thủ nguồn lực, công nghệ… của DN FDI, nhưng nếu DN Việt Nam không phát triển được, thì các cố gắng đó cũng không phát huy được hiệu quả.
Việt Nam phải có một lực lượng DN đủ mạnh thì mới có thể tiếp thu được tinh hoa từ bên ngoài. Hiện nay, sau một thời gian chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều DN Việt Nam đã phải đình hoãn, thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản. Trong bối cảnh đó, cải cách thể chế kinh tế sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng, giúp DN giảm được chi phí kinh doanh, tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn lực tốt hơn để phát triển mạnh mẽ hơn.
Tại VDPF, Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển cũng sẽ thảo luận xem cần phải làm gì tiếp theo để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển. Có thể nói, đây là một viên đạn trúng nhiều mục tiêu, bởi phát triển khu vực tư nhân sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế, phát triển được nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt…, nhưng đồng thời cũng góp phần tạo dựng một nền kinh tế tự chủ. Khi DN Việt Nam phát triển mạnh, chủ động được nguyên vật liệu đầu vào, thì chúng ta không còn chỉ là nơi gia công, lắp ráp nữa, mà trở thành một nền công nghiệp, một nền kinh tế tự chủ. Đấy chính là bản chất của việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Đầu tư và Luật DN (sửa đổi) có ý nghĩa thế nào đối với cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam cũng như phát triển khu vực tư nhân, thưa Bộ trưởng?
Việc Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư và Luật DN (sửa đổi) chính là sự thể hiện mạnh mẽ của cải cách thể chế kinh tế. Cải cách thể chế kinh tế xét cho cùng là làm sao xây dựng được một khung khổ luật pháp tiên tiến, hiện đại để khai thác được các tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.
Phải sửa đổi hai luật này là vì sau một thời gian thực hiện, dư địa và xung lực mà hai luật này tạo ra đã dần cạn kiệt, hơn nữa cũng đã nảy sinh một số hạn chế. Sửa đổi Luật cũng là để phù hợp với hiến định của Hiến pháp sửa đổi năm 2013, đó là đảm bảo quyền tự do kinh doanh của công dân. Hai luật này, có thể nói, đã thực hiện một cách quyết liệt tư tưởng đổi mới của Hiến pháp cũng như tư tưởng đổi mới của cải cách thể chế kinh tế. Nó chính là hiện thân, là hành động của cải cách thể chế kinh tế.
Cải cách thể chế kinh tế nếu chỉ dừng ở nhận thức, mà không biến thành luật thì không có tác dụng. Phải biến nhận thức thành hành động và đưa vào luật, để chế tài tất cả các tổ chức, cá nhân phải thực hiện.
Tôi hy vọng rằng, hai luật này sẽ tạo ra một làn sóng mới về đầu tư và thành lập DN ở Việt Nam.
Đây là lần thứ hai, VDPF được tổ chức. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc chuyển đổi từ mô hình cũ (Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam - Hội nghị CG) sang mô hình mới (VDPF)?
Năm 2013 là năm đầu tiên VDPF được tổ chức, với một nội hàm mới là tập trung đối thoại chính sách, thay vì nhằm vận động hỗ trợ ODA như Hội nghị CG. Đây là bước chuyển cần thiết và hợp lý, khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và đã có thể tự đứng trên đôi chân của mình.
VBDF 2013, có thể nói, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ đối tác phát triển, khi lần đầu tiên các cơ quan Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển đã thảo luận và thống nhất danh sách các hành động chính sách để triển khai kết quả thảo luận của Diễn đàn. Với lĩnh vực được tập trung thảo luận là giảm nghèo, tạo việc làm, bảo vệ môi trường…, VBDF đã thống nhất 22 hành động chính sách, bao gồm 81 hoạt động thành phần. Trong số này, đã hoàn thành 18 hoạt động, tiếp tục triển khai 57 hoạt động và đang chọn thực hiện tiếp 6 hành động.
Việc VPDF được tổ chức theo phương thức này thực sự rất hiệu quả và thiết thực. Sau khi thảo luận, thống nhất nhận thức, hai bên đã cùng phối hợp hành động. Và không chỉ là giúp về cơ chế, chính sách, các đối tác phát triển còn cam kết hỗ trợ nguồn lực để thực hiện. Đây là cách tiếp cận cần được tiếp tục duy trì trong các kỳ VDPF tới để đảm bảo các kết quả đối thoại cấp cao sẽ đi vào cuộc sống và bằng các biện pháp, hành động chính sách cụ thể.
Nguyên Đức
Nguồn: baodautu.vn
Người đăng: T.An