• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Cần quan tâm hơn đến công tác quản lý hợp đồng sau đấu thầu 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Luật Đấu thầu năm 2013 đã có một bước chuyển rất mạnh mẽ trong quy định về ký kết, thực hiện và quản lý hợp đồng trong đấu thầu. Tuy nhiên, để công tác đấu thầu thật sự đem lại nhiều kết quả tốt, câu chuyện quản lý hợp đồng sau đấu thầu cũng cần được quan tâm hơn.

IMG
Một trong những nội dung mới của Luật Đấu thầu năm 2013 chính là quy định chặt chẽ các hình thức hợp đồng
cũng như quản lý hợp đồng nhằm nâng cao việc sử dụng ngân sách cho đầu tư, xây dựng  
                                                                                                                               Ảnh: Lê Tiên
 
 
Liên danh không rõ ràng, thầu phụ “làm hết việc” thầu chính
Theo công bố của Thanh tra tỉnh Hậu Giang, Công trình Trung tâm Phòng chống HIV (do Sở Y tế Hậu Giang quản lý) có tổng dự toán được duyệt là 28.916.357.000 đồng, trong đó, giá trị xây lắp sau thuế là 18.756.047.000 đồng. Đơn vị trúng thầu gói thầu này là liên danh Công ty TNHH Hữu Nghị và Công ty TNHH Hai thành viên đá GRANITE Phú Quốc. Trong thỏa thuận liên danh thì thành viên đứng đầu liên danh là Công ty TNHH Hữu Nghị thực hiện giá trị xây lắp chiếm 60% tổng giá trị công trình; Công ty TNHH Hai thành viên đá GRANITE Phú Quốc thực hiện giá trị xây lắp chiếm 40% tổng giá trị công trình. Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Hậu Giang cho biết, trong Hợp đồng thi công không nêu rõ các phần việc mà các bên liên danh phải thực hiện và cũng không quy định gì khác liên quan đến thỏa thuận liên danh. Qua xem xét toàn bộ các hồ sơ liên quan của gói thầu cho thấy, trong quá trình thi công chỉ có 1 nhà thầu là Công ty TNHH Hai thành viên đá GRANITE Phú Quốc thực hiện thi công toàn bộ khối lượng công trình, như vậy là không thực hiện theo văn bản thỏa thuận liên danh, là vi phạm quy định của Luật Đấu thầu.
 
Chưa hết, kiểm tra thực tế tại công trình này, Thanh tra tỉnh Hậu Giang còn phát hiện, phần hàng rào, kích thước ốp đá granite bảng chữ, chiều dài cổng chính thực hiện không đúng thiết kế, trồng cây xanh không đủ chiều cao như thiết kế, diện tích trồng cỏ lá rừng giảm 76m2, hệ thống thoát nước phần cống bê tông cốt thép li tâm phi 300 thay bằng mương thoát nước. Máy phát điện chưa lắp đặt. Kiểm tra khối lượng cho thấy chênh lệch khối lượng thành tiền so với giá trị hợp đồng là: 163.288.669 đồng.
 
Theo Thanh tra tỉnh Hậu Giang, những biểu hiện này đã vi phạm quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, qua làm việc chủ đầu tư cũng đã nhận thấy thiếu sót và có hướng khắc phục sửa chữa, đề nghị chủ đầu tư rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn.
 
Báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy, nhà thầu Tổng công ty Sông Hồng đã sử dụng thầu phụ không đúng quy định tại Gói thầu số 9 dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk. Theo Cục Quản lý xây dựng chất lượng và công trình giao thông, Gói thầu này có chiều dài 3,97km, trị giá 110.835.000.000 đồng. Trong đó, nhà thầu Tổng công ty Sông Hồng thực hiện 74% theo giá trị hợp đồng. Nhà thầu Công ty Xây dựng thương mại (XDTM) Sài Gòn thực hiện 26% theo giá trị hợp đồng. Gói thầu số 9 được Bộ GTVT chỉ định thầu cho Liên danh Tổng công ty Sông Hồng và Công ty XDTM Sài Gòn nhưng Tổng công ty sông Hồng không trực tiếp thi công, mà giao lại cho đơn vị khác là Công ty CP Sông Hồng 36. Sau đó lại giao cho 2 đơn vị khác thực hiện là Công ty Tân Việt Bắc và Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô. 
 
Mặc dù Tổng công ty Sông Hồng khẳng định không thuê nhà thầu phụ mà chỉ sử dụng nhân lực, thiết bị, nhưng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình nhận định: “Một sản phẩm được hoàn thành chủ yếu nhờ vào sự tác động của nhân lực và thiết bị, trong trường hợp này Tổng công ty Sông Hồng không có hai yếu tố quan trọng này và phần tài chính thì của chủ dự án. Như vậy, có thể khẳng định việc nhượng thầu là có thực”. Từ cơ sở này, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh chấm dứt hợp đồng với Tổng công ty Sông Hồng – nhà thầu thực hiện Gói thầu số 9 dự án Xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Lắk.
 
Quản lý hợp đồng nghiêm để nâng cao chất lượng công tác đấu thầu
Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng nhận định, sau khi đấu thầu, hợp đồng là văn bản pháp lý quan trọng gắn kết, ràng buộc trách nhiệm giữa nhà thầu và chủ đầu tư, cả về trách nhiệm thực hiện hợp đồng lẫn trách nhiệm thanh toán. Do đó, việc giám sát, quản lý thực hiện hợp đồng là một trong những kênh khách quan nhất để đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả của toàn bộ công tác đấu thầu. Tuy nhiên, công tác giám sát quản lý thực hiện hợp đồng chưa được quan tâm đúng mức nên dẫn đến các tình trạng bán thầu, nhượng thầu trái phép vẫn đang diễn ra phổ biến và thường xuyên trong lĩnh vực xây lắp. Để xảy ra tình trạng này chính là hệ lụy của việc thực hiện không nghiêm túc Luật Đấu thầu như: “quân xanh, quân đỏ”, chạy thầu, lách luật... khiến nhà thầu phải “rao bán” cả kết quả đấu thầu, làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu. 
 
Ông Bùi Tấn Lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng tỉnh Bình Định cũng chia sẻ, đối với hình thức chỉ định thầu, càng lạm dụng việc áp dụng hình thức này, càng dễ dẫn đến hiện tượng bán thầu trái phép. Hệ lụy của việc bán thầu, nhượng thầu, thực hiện không nghiêm túc hợp đồng, nhà thầu phụ làm việc của nhà thầu chính là rất lớn. “Tình trạng này ảnh hưởng xấu trực tiếp đến chất lượng, tiến độ, hiệu quả của dự án, làm giảm hiệu quả của công tác đấu thầu. Chưa kể, việc nhượng thầu, bán thầu trái phép tạo kẽ hở cho nhà thầu lớn chiếm dụng vốn của nhà thầu nhỏ, tạo điều kiện cho những nhà thầu thiếu năng lực, trình độ đảm nhận những dự án sử dụng ngân sách”.
 
IMG
Việc bán thầu trái phép gây ra những hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế, do vậy cần phải xử lý nghiêm hiện tượng này
                                                                                               Ảnh: Tiên Giang
 
Theo ý kiến của một số nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng tại khu vực phía Nam, việc bán thầu trái phép gây ra những hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế và cần xử lý nghiêm hiện tượng này để kịp thời chấn chỉnh, răn đe. Chưa kể, để xảy ra hiện tượng bán thầu, nhượng thầu trái phép qua các trường hợp kể trên đều có nguyên nhân sâu xa là việc chọn thầu, đánh giá năng lực nhà thầu rất sơ sài, không tuân thủ Luật Đấu thầu. Bên cạnh đó, tâm lý của rất nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu hiện nay vẫn đang xem nhẹ công tác quản lý hợp đồng, xem nhẹ công tác giám sát thi công dự án, chưa kể chủ đầu tư bắt tay với nhà thầu hoặc không thực hiện xử phạt nhà thầu trong những trường hợp có phát hiện ra hành vi chuyển nhượng hoặc bán thầu. Theo quy định của Nghị định 85/2009/NĐ-CP, nhà thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 1 đến 3 năm nếu nhà thầu bị phát hiện chuyển nhượng cho nhà thầu khác trên 10% giá trị phải thực hiện. Như vậy, chế tài để xử phạt nhà thầu đã có quy định, tuy nhiên các chủ đầu tư thường không thực hiện nghiêm túc mà chỉ “giơ cao đánh khẽ” dẫn đến nhà thầu coi thường pháp luật, không thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký.  
 
Một trong những nội dung mới cơ bản đáng quan tâm của Luật Đấu thầu năm 2013 chính là quy định chặt chẽ các hình thức hợp đồng cũng như quản lý hợp đồng nhằm nâng cao việc sử dụng ngân sách cho đầu tư, xây dựng. Ngoài ra, một nội dung mới khác cũng rất quan trọng trong Luật Đấu thầu đó là nâng cao vai trò giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của người có thẩm quyền để nâng cao chất lượng của công tác lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, để Luật Đấu thầu thực sự hiệu quả, lựa chọn được những nhà thầu đủ năng lực, trình độ đảm nhận các gói thầu sử dụng ngân sách, đem lại các dự án chất lượng, công tác quản lý hợp đồng sau đấu thầu cần được các bên liên quan coi trọng hơn.
 
 
 
V.Huyền
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)