• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Chống gian lận, tham nhũng để thúc đẩy phát triển 

Quy định điều kiện về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư tham gia đấu thầu; quy định các loại thông tin về đấu thầu phải được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu; quy định cụ thể hơn về đấu thầu qua mạng… là những điểm mới trong Luật Đấu thầu 2013 được ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu tại Hội nghị cấp cao với chủ đề “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam”, diễn ra hôm qua (20/1), tại Hà Nội.

IMG
Nhiều chuyên gia cho rằng, những biểu hiện tiêu cực, gian lận, tham nhũng trong đầu tư công vẫn gây lo ngại đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như đối với các nhà tài trợ
 Ảnh: Nguyễn Thủy
Luật Đấu thầu góp phần chống gian lận, tham nhũng
Theo các nhà quản lý, nhà tài trợ, hành vi gian lận, tham nhũng là trở ngại đối với sự phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới và đây cũng là vấn đề cấp bách ở Việt Nam. Vì thế, gỡ bỏ những trở ngại này để tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển đất nước là công tác vô cùng quan trọng.
 
Đề cập về vấn đề phòng, chống gian lận và tham nhũng trong các dự án đầu tư công của Việt Nam, ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong quá trình này, trên thực tế, những biểu hiện tiêu cực, gian lận, tham nhũng trong đầu tư công nói chung, dự án ODA nói riêng, vẫn gây lo ngại đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như đối với các nhà tài trợ. Do đó, việc nâng cao hiệu quả quản trị thúc đẩy sự phát triển là vô cùng quan trọng.
 
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng cho biết, Luật Đấu thầu 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014) được xây dựng trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu năm 2005, Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009; đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm minh bạch hóa quá trình đấu thầu, tăng cường trách nhiệm giải trình,… góp phần quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả đồng tiền của Nhà nước cũng như ngăn ngừa và chống tham nhũng.
 
IMG
Để hạn chế sự thông đồng của các nhà thầu, bên mời thầu phải tiếp nhận HSDT của tât cả các nhà thầu nộp trước thời điểm đóng thầu
 Ảnh: LTT
 
Cục trưởng Lê Văn Tăng nhấn mạnh, Luật Đấu thầu 2013 đã đưa ra 10 nhóm giải pháp nhằm ngăn ngừa, chống tham nhũng. Một trong những giải pháp này là Luật Đấu thầu 2013 đã quy định một trong những điều kiện về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư tham gia đấu thầu phải “đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”. Theo đó, thông tin đăng ký của nhà thầu, nhà đầu tư sẽ liên tục được cập nhật trong quá trình hoạt động của nhà thầu, nhà đầu tư. Một mặt, đây là cách thức để chứng minh năng lực, uy tín của nhà thầu, nhà đầu tư; mặt khác còn góp phần minh bạch hóa thông tin, giúp các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, bên mời thầu hoặc các cơ quan liên quan và cộng đồng có số liệu để cụ thể để thực hiện theo dõi, giám sát nhà thầu.
 
Nhằm hạn chế tối đa sự thông đồng của nhà thầu, Cục trưởng Lê Văn Tăng cho biết, tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 14 Khoản 3 Điểm d) quy định: “Bên mời thầu phải tiếp nhận HSDT của tất cả các nhà thầu nộp HSDT trước thời điểm đóng thầu, kể cả trường hợp nhà thầu tham dự thầu chưa mua hoặc chưa nhận HSMT trực tiếp từ bên mời thầu…”. Điều này đồng nghĩa với việc nhà thầu không mua HSMT đến nộp HSDT thì bên mời thầu  phải nhận HSDT (tại thời điểm đó nhà thầu nộp tiền mua HSMT). Theo Cục trưởng Lê Văn Tăng, quy định này đã hạn chế tối đa việc bên mời thầu và các nhà thầu thu xếp “quân xanh, quân đỏ”, “chân gỗ”, “phù dâu, phù rể”…, vì số lượng nhà thầu tham dự thầu hoàn toàn bí mật và bất ngờ tới thời điểm đóng thầu.
 
Kinh nghiệm quốc tế về chống tham nhũng và thúc đẩy liêm chính
Đại diện Thanh tra Philippines, bà Conchita Carpio Morales cho rằng, những thách thức phải đối mặt trong phòng, chống gian lận và tham nhũng của Chính phủ Việt Nam không khác biệt so với những gì mà Chính phủ Philippines đang phải giải quyết. 
Theo ông Anders Agerskov, Ngân hàng Thế giới: Một số nguy cơ gian lận, tham nhũng trong các dự án đầu tư thường thấy như: can thiệp chính trị; những hạng mục không cần thiết; tiêu chuẩn kỹ thuật thiên lệch; gian lận trong hồ sơ dự thầu; thông đồng; công ty vỏ bọc; chỉ đạo thầu; xung đột về lợi ích; công việc kém chất lượng; yêu cầu thanh toán giả. Do đó, yêu cầu về công khai, minh bạch trong việc thực hiện các dự án đầu tư công là rất cần thiết.
Với nỗ lực tập thể trong phòng, chống tham nhũng của Chính phủ Philippines thời gian qua, bà Conchita Carpio Morales cho biết: “Gần đây, Cơ quan Minh bạch quốc tế đã báo cáo Philippines có cải thiện trong Chỉ số nhận thức tham nhũng mới nhất (CPI). Từ vị trí 134 năm 2010, tới vị trí 129 năm 2011, đã tăng lên vị trí 105 năm 2012, 94 năm 2013, và đặc biệt năm 2014, Philippines đã vươn lên đứng thứ 85 trong số 175 quốc gia được khảo sát”. 
 
Để đạt được những kết quả nêu trên, bà Conchita Carpio Morales chia sẻ: “Philippines có khung quản trị và phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Thanh tra của Philippines là một cơ quan độc lập, nhưng không hoạt động riêng rẽ. Thanh tra có trách nhiệm lập ra chính sách thúc đẩy, nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực, minh bạch, trách nhiệm giải trình, nhằm ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng”. 
 
Bên cạnh đó, theo bà Conchita Carpio Morales, với mục tiêu đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, Philippines còn thực hiện quy định: Vào ngày cuối cùng của tháng 4 hàng năm, tất cả các quan chức, cán bộ của Philippines phải thực hiện kê khai tài sản. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần giúp Philippines cải thiện chỉ số CPI.  
 
Chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, chống gian lận, tham nhũng ở Việt Nam, nhiều chuyên gia về đấu thầu của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á… tham dự Hội nghị cho rằng: Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong các dự án đầu tư của Nhà nước, từ khâu thẩm định, phê duyệt danh mục đầu tư, tới hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm, đồng thời, cần khuyến khích sự tham gia giám sát của xã hội. Đặc biệt, việc thực hiện nghiêm những quy định trong Luật Đấu thầu 2013 sẽ góp phần tăng cường quản trị, thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của đất nước.
 
 
 
Trung Hiếu
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)