• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Cơ hội thúc đẩy KT-XH khu vực tam giác phát triển 

(Chinhphu.vn) - "Diễn đàn Đối tác phát triển khu vực tam giác phát triển" là cơ hội để lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương Việt Nam, Campuchia, Lào và các đại biểu quốc tế thảo luận nhằm tìm ra giải pháp hỗ trợ cho từng địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Lê Sơn
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Đối tác phát triển khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) với chủ đề: “Xây dựng quan hệ đối tác để hiện thực hoá tiềm năng của tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam”, tổ chức ngày 21/4/2014 tại TP Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk).
Đại tướng Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh; Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Tomoyuki Kimura; đại biểu của 3 nước trong khu vực và đại diện các định chế tài chính lớn của quốc tế có nhiều đóng góp cho sự phát triển trong khu vực, tới dự.
Vùng tam giác phát triển của 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam gồm 13 tỉnh được hình thành từ ý tưởng của lãnh đạo 3 nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực còn nhiều khó khăn này.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hợp tác giữa 3 nước CLV sẽ là “liều thuốc bổ” để thúc đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên, với các biện pháp cụ thể đã được lãnh đạo 3 nước đề ra tại Hội nghị cấp cao lần thứ 7 tại Vientiane tháng 3/2013. Đó là, chia sẻ thông tin rộng rãi hơn về cơ hội và tiềm năng phát triển của khu vực; huy động nguồn vốn ODA để hỗ trợ phát triển và thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực này. Diễn đàn nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo 3 nước nhằm đem lại sức sống mới cho CLV.

Trên thực tế, hợp tác CLV được người dân, các đối tác phát triển và khu vực tư nhân biết đến ít hơn so với sáng kiến hợp tác khác (như hợp tác ASEAN, GMS). Vì vậy, việc hiểu rõ hơn về tiềm năng, cơ hội, thách thức ở các quốc gia CLV là vấn đề quan trọng. Ngoài ra, cần xem xét các khuôn khổ thể chế và chính sách nên được cải thiện như thế nào để tạo thuận lợi đầu tư từ nguồn vốn ODA và đầu tư tư nhân trong các quốc gia CLV.
“Diễn đàn cũng mở ra cơ hội đầu tư cho khu vực CLV mà chúng ta đang theo đuổi, là sự khởi đầu cho quan hệ đối tác lâu dài và thành công giữa các đối tác quan trọng trong quá trình phát triển CLV”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura nêu rõ để phát triển tiểu vùng một cách toàn diện và bền vững đòi hỏi phải có tầm nhìn chung; phải đánh giá thận trọng và phác hoạ được những vướng mắc, bất cập hiện nay cũng như các lĩnh vực có thể tạo ra đột phá để lập kế hoạch phát triển trên thực tiễn. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị lộ trình thực hiện và khuôn khổ đầu tư thống nhất, xác lập các ưu tiên; tạo ra sức mạnh cộng hưởng của các chương trình và biết sử dụng nguồn lực hữu hạn hiệu quả hơn cũng như đa dạng hoá nguồn đầu tư…
Giám đốc Quốc gia ADB cũng lưu ý, một “sản phẩm phụ” đáng khích lệ của việc lập kế hoạch và tổ chức Diễn đàn chính là sự thể hiện rõ ràng năng lực và sự cam kết của 5 tỉnh Việt Nam nằm trong khu vực tam giác phát triển trong quá trình thúc đẩy phát triển.
Quang cảnh  Diễn đàn. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ đây là cơ hội để lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, Campuchia, Lào và các vị khách quốc tế cùng trao đổi, thảo luận để tìm ra các giải pháp cụ thể hỗ trợ cho từng địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của mình cũng như toàn khu vực.
Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, bất cập trong quá trình phát triển khu vực. Theo đó, dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực cùng với sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành cũng như sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhà tài trợ quốc tế nhưng đây vẫn là khu vực chậm phát triển, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống người dân rất khó khăn; nguồn lực thực hiện các dự án còn hạn hẹp và chủ yếu bằng nội lực từng nước; kim ngạch trao đổi thương mại thấp, các dự án đầu tư mới được triển khai ở giai đoạn đầu; nguồn nhân lực thiếu về số lượng, thấp về chất lượng; việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và biên bản ghi nhớ về chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực tam giác phát triển chưa đạt được kết quả như mong muốn. Những kết quả trong hợp tác khu vực vẫn chưa tạo được bước đột phá để phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và rút ngắn khoảng cách về phát triển so với bình quân mỗi nước.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề lớn đối với quá trình phát triển khu vực. Đó là, hạ tầng giao thông khó khăn là cản trở lớn cho sự phát triển khu vực; cần quan tâm hơn đến nông nghiệp kết hợp với xoá đói giảm nghèo; tập trung phát triển hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, chợ biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá; triển khai có hiệu quả quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng 3 nước thông qua; phát triển nhanh và bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; quan tâm hơn nữa đến phát triển nguồn nhân lực; từng địa phương trong khu vực phải nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, cải cách hành chính; tiếp tục tăng cường bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới giữa 3 nước, phòng chống tội phạm, góp phần phát triển kinh tế của mỗi nước trong khu vực này. 
 
 
 
 
Lê Sơn
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)