Còn chưa đầy 3 tháng nữa, Đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 - 2015 sẽ kết thúc. Thế nhưng, tốc độ cổ phần hóa (CPH) DNNN vẫn chậm và chưa đạt yêu cầu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đẩy nhanh tiến trình CPH nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra, bên cạnh phải đảm bảo về chất lượng CPH.
Ước tính rằng, năm 2015 chỉ hoàn tất cổ phần hóa được khoảng 200 doanh nghiệp, còn lại 89 doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ không về đích đúng hẹn
Ảnh: ĐL
Nhiều khả năng không hoàn thành mục tiêu
Hơn 20 năm qua, CPH là giải pháp trọng tâm và chủ yếu của cải cách, tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả DNNN. CPH cũng là hình thức thu hút nhiều nguồn vốn xã hội, nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, trở thành nguồn cung tiềm năng dồi dào trên thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) của Việt Nam.
Tính đến hết năm 2013, số DNNN đã được CPH là 99 doanh nghiệp, riêng trong năm 2014 CPH thêm được 143 doanh nghiệp và trong 6 tháng đầu năm 2015 CPH được 61 doanh nghiệp. Nhiều ý kiến băn khoăn rằng, nếu chưa tính đến chất lượng thì với áp lực phải CPH 228 DNNN trong 6 tháng cuối năm 2015 liệu có hoàn thành?
Trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây, tốc độ và chất lượng CPH DNNN năm 2015 lại được đặt lên bàn nghị sự cùng nỗi lo chậm tiến độ so với mục tiêu đặt ra. Đã có ước tính rằng, năm nay (2015) chỉ hoàn tất CPH được khoảng 200 doanh nghiệp, còn lại 89 doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ không về đích đúng hẹn.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Eric Sidwick mặc dù đánh giá rất cao sự kiên định của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện tiến trình CPH DNNN, song sự kiên định này, theo ông Eric Sidwick, vẫn không giúp Việt Nam có thể hoàn thành được mục tiêu đề ra. Ông Eric Sidwick thẳng thắn cho rằng, mục tiêu CPH của Việt Nam khó có thể đạt được và dự kiến nhiều DNNN sẽ CPH muộn hơn trong năm 2016, thậm chí muộn hơn nữa.
Tỷ trọng cổ phần hóa chưa đạt được
Trong khuôn khổ “Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam” vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn chia sẻ, tính đến tháng 9/2015, tiến trình CPH DNNN vẫn bị chậm, không chỉ ở việc không đạt mục tiêu về số lượng DNNN được CPH mà quan trọng hơn là tỷ trọng CPH vẫn chưa đạt yêu cầu. Nhiều DNNN chỉ cổ phần hóa được 5 - 10%, còn về bản chất lại không thay đổi được tính chất, chiến lược, phương thức quản trị của doanh nghiệp.
Đồng thuận với quan điểm này, ông Phạm Quang Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thăng Long cho rằng, nên xác định lại “thành tích” của CPH DNNN, bởi không thể xem một doanh nghiệp CPH thành công nếu doanh nghiệp đó chỉ bán được 3 - 5% vốn, phải đánh giá giá trị bán ra chứ không nên tính trên đầu doanh nghiệp CPH. Theo ông, nhà đầu tư nên rót vốn vào những đơn vị mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối hoặc nghiên cứu kỹ những doanh nghiệp như vậy trước khi đầu tư và “phải mặc cả quyền mua”. Minh chứng từ kinh nghiệm của mình, khi đầu tư vào Tổng công ty Thăng Long, ông Dũng đồng ý mua 5% vốn với điều kiện phải nằm trong ban lãnh đạo Công ty, “khi Bộ GTVT có văn bản chấp thuận yêu cầu đó, tôi mới mua cổ phần”.
Đối với việc bán cổ phần DNNN không được như kỳ vọng, nhiều chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, muốn bán nhiều hơn nhưng không tìm được người mua.
Vẫn tiếp tục tìm nguyên nhân và giải pháp
Để trả lời cho câu hỏi của nhà đầu tư đặt ra: “Tại sao các DNNN lại bán ít cổ phần như vậy?”, ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp dí dỏm đáp: “Chúng tôi phải hỏi lại chứ, là tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại mua ít cổ phần của doanh nghiệp thế?”.
Bởi, trong tiến trình CPH DNNN, Việt Nam cần có những bước đi vững chắc, hiệu quả và bền vững, nên có quy định về phương án CPH cho từng DNNN cụ thể. Tuy nhiên, trong phương án CPH của nhiều doanh nghiệp quy định Nhà nước giữ 50% cổ phần, nhưng khi bán ra công chúng 50% cổ phần thì các nhà đầu tư lại chưa mặn mà.
Ở góc nhìn của mình, ông Phạm Quang Dũng cho rằng, hiện đang là thời điểm thuận lợi với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc tham gia vào tiến trình CPH DNNN của Việt Nam. Ông Phạm Quang Dũng phân tích: Thị trường chứng khoán đang “èo uột”, trong khi tiến trình CPH lại đang ở nước giai đoạn nước rút, nên Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện, thậm chí có thể “nới” chính sách, quy định để mở rộng cửa hơn, đón nhà đầu tư vào.
Cũng trong khuôn khổ “Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN. Trong thời gian tới, sẽ có ngày càng nhiều DNNN sau CPH được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là cơ hội tốt cho đối tác nước ngoài có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính và công nghệ tham gia vào quá trình CPH DNNN, mua bán, sáp nhập DNNN của Việt Nam.
Tuy vậy, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khuyến cáo, Việt Nam mới chỉ CPH những DNNN có quy mô nhỏ, hiện Chính phủ đang tiếp tục CPH những đơn vị lớn hơn, có quy mô và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế. Do đó, tiến trình CPH những DN này cần những bước đi thận trọng, lộ trình hiệu quả để đảm bảo CPH là sự thay đổi trong bản chất, quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại và phát triển bền vững.
Để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN, ông Phạm Viết Muôn đề xuất: Cần công khai lộ trình niêm yết trên thị trường chứng khoán, cũng như minh bạch với các nhà đầu tư về tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ.
Trần Tuyết
Người đăng: T.An