Làm thế nào để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong đấu thầu, lựa chọn phương pháp, quy trình đấu thầu nào để có thể tối đa hóa lợi ích của đồng tiền thông qua đấu thầu các dự án ODA? Đó là những vấn đề được các chuyên gia trong nước và quốc tế quan tâm bàn thảo tại Hội nghị tập huấn kỹ năng thanh tra các dự án sử dụng nguồn vốn ODA diễn ra ngày 07/4/2014.
Ảnh minh họa
Thách thức trong sử dụng vốn ODA
Phát biểu tại Hội nghị, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, ODA là một trong những nguồn vốn quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những năm qua, Việt Nam đã tiếp nhận một lượng lớn vốn ODA từ nhiều quốc gia và các dự án có sử dụng vốn ODA đã đem lại hiệu quả cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Và để vốn ODA phát huy hiệu quả cao nhất thì công tác quản lý và thanh tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn này phải được coi trọng và thường xuyên thực hiện, cả từ phía Chính phủ và phía nhà tài trợ.
Đại diện Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này đòi hỏi nỗ lực và trách nhiệm của nhiều bộ phận ở các khâu khác nhau, từ quy hoạch đến lập báo cáo khả thi, tiếp nhận, giải ngân, rà soát hoạt động sử dụng vốn ODA, trong từng khâu cũng sẽ tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực và những thách thức khác nhau. Do đó, việc nâng cao hiệu quả công tác rà soát hoạt động sử dụng vốn ODA là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện này.
Ông Hesper Perersen, Trưởng phòng Quản lý danh mục dự án đầu tư, Ngàn hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, danh mục dự án đầu tư tại Việt Nam của ADB và Ngân hàng Thế giới đang ngày càng gia tăng, cả quy mô lẫn số lượng dự án. 6 ngành trọng tâm ưu tiên đầu tư của ADB tại Việt Nam là nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và môi trường; giáo dục; năng lượng; tài chính; giao thông; nước và đô thị.
Phòng ngừa gian lận trong đấu thầu
Theo ông Adu Gyamfi Abunyewa, chuyên gia đấu thầu cao cấp của WB tại Việt Nam, để có thể phát huy tối đa hiệu quả đồng tiền trong các dự án ODA thì hệ thống đấu thầu phải đảm bảo đồng tiền đầu tư đem lại giá trị cho người dân thông qua việc đảm bảo rằng các nguồn vốn công được chi tiêu một cách minh bạch, hiệu quả và công bằng. Theo đó, bên vay (bao gồm các bên hưởng lợi từ khoản vay của nhà tài trợ), cũng như các bên cung cấp dịch vụ và các nhà thầu phụ của họ phải tuân theo chuẩn mực đạo đức cao nhất trong quá trình lựa chọn và thực hiện các hợp đồng sử dụng vốn ODA.
Ông Adu Gyamfi Abunyewa cho rằng, gian lận trong đấu thầu đặc biệt khó phát hiện vì các vụ việc này hiếm khi được báo cáo và do đó rất khó để đánh giá phạm vi và mức độ của vấn đề. Vì thế, để đảm bảo lợi ích đồng tiền trog các dự án ODA thì cách thức tốt nhất vẫn là phòng ngừa việc gian lận và tham nhũng. Vì thế, bước đầu tiên là phải sử dụng các công cụ hướng dẫn phòng chống tham nhũng để xác định nguy cơ gian lận trong đấu thầu và giảm thiểu gian lận trong đấu thầu. Tiếp đến là chủ động quản lý các nguy cơ liên quan đến tham nhũng và gian lận; phát hiện, báo cáo và xử lý các cáo buộc hoặc nghi vấn về các tiêu cực trong đấu thầu; cuối cùng là giám sát, kiểm tra và thực hiện các biện pháp kiểm soát gian lận và tham nhũng.
Bích Thảo
Nguồn: Báo Đấu Thầu
Người đăng: T.An