Ngày 15-11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố kết quả cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
Hội nghị được truyền hình trực tuyến tại 11 điểm cầu của 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh chủ trì hội nghị. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2019 các ngành, các cấp trong tỉnh đã thực hiện việc giải quyết TTHC theo nguyên tắc "4 tại chỗ" và có sự thay đổi lớn về số lượng thủ tục, thời gian giải quyết, thành phần hồ sơ, cách thức thực hiện, phí, lệ phí.
ề số lượng thủ tục, đề nghị bãi bỏ, gộp, công bố nội bộ... 62 TTHC đối với các lĩnh vực giao thông vận tải, công thương, kế hoạch và đầu tư, tài nguyên - môi trường, lao động - thương binh - xã hội, tư pháp.
Về thời hạn, có 585 TTHC cắt giảm thời gian giải quyết hoặc làm rõ về thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương. Có 3 TTHC tăng thêm thời gian giải quyết so với TTHC đã công bố trước đó nhưng vẫn ít hơn so với thời gian quy định của Trung ương. Bỏ quy định phải thêm 10 ngày trả kết quả các TTHC ngành tài nguyên - môi trường đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Đối với thành phần, có 119 TTHC thay đổi về thành phần, số lượng hồ sơ, cập nhât mẫu đơn, mẫu tờ khai; 512 TTHC thay đổi về quy trình, cách thức thực hiện. Về phí, lệ phí có 98 TTHC làm rõ lại mức lệ phí, phí. Hiện có 812 TTHC đã áp dụng thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đến ngày 1-10-2019, đã có 6 sở, ngành (Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông - Vận tải, Xây dựng và Ban quản lý khu kinh tế) đã chính thức thực hiện giải quyết TTHC theo nguyên tắc 4 tại chỗ.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, đã triển khai phần mềm một cửa điện tử tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, 11 huyện, thị xã, thành phố và 100% các xã của 4 đơn vị cấp huyện Đồng Phú, Chơn Thành, Hớn Quản, Đồng Xoài và 2 xã Thiện Hưng, Tân Tiến của huyện Bù Đốp. Các xã còn lại sẽ thực hiện trong quý 4/2019.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đang hoạt động, đáp ứng yêu cầu cung cấp mức độ 3, gồm 1 cổng chính và 35 trang thông tin điện tử thành phần, có 1.944 dịch vụ công tạo điều kiện phục vụ cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các TTHC. Đối với ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước, hiện hệ thống hội nghị truyền hình trực tiếp đã đầu tư trang bị 15 điểm cầu.
Tỉnh đã sử dụng hai phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, gồm phần mềm iOffice và OneWin Sys. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích hợp chữ ký số đáp ứng gửi, nhận văn bản điển tử với trục liên thông văn bản quốc gia, đã kết nối với trục LGSP. Ước tính tỷ lệ văn bản điện tự được trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử từ cấp tỉnh đến cấp huyện đạt 100%, từ cấp tỉnh đến cấp xã đạt 90%. Đã cấp 5.976 hộp thư công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Triển khai mạng truyền số dữ liệu chuyên dùng đến 310 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền chỉ đạo: Các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC. Tăng cường truyền thông và quảng bá hiệu quả dịch vụ công trực tuyến để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ. Có giải pháp hỗ trợ, đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ sử dụng máy tính, internet cho người dân, hỗ trợ máy tính, điểm truy cập internet công cộng, mạng wifi miễn phí tại các khu vực đông dân cư để người dân tiếp cận dịch vụ. Nâng cao chất lượng hợp tác với ngành bưu điện, ngân hàng để hỗ trợ triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Người đăng: Vương NGuồn: Báo BP