• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Công tác pháp chế phải phục vụ hiệu quả việc phát triển KT-XH 

(Chinhphu.vn) - Sáng 18/1, Hội nghị triển khai công tác pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ năm 2014 đã được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Theo ông Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, năm 2013, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; được các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực.
Triển khai kế hoạch sửa đổi Hiến pháp 1992, các tổ chức pháp chế đã giúp lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức lấy ý kiến nhân dân và tham gia đề xuất, góp ý trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Nhiều ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ đã được Chính phủ tiếp thu, đề xuất đưa vào Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là các ý kiến liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; nguyên tắc tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương và các nội dung liên quan đến điều ước quốc tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Công tác xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được thực hiện nghiêm túc hơn. Nhận thức và trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong công tác xây dựng pháp luật, pháp lệnh đã có nhiều chuyển biến. Việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từng bước hạn chế. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2013 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tình trạng chậm ban hành, nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã được khắc phục đáng kể.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác pháp chế ở các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn phải điều chỉnh. Tình trạng xin lùi, xin rút do ý chủ quan của một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa được khắc phục triệt để. Việc ban hành văn bản quy phạm chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn chậm, nhất là các thông tư liên tịch. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn mang tính hình thức, phong trào hiệu quả chưa cao. Một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ chậm đi vào cuộc sống, thủ tục hành chính rườm rà.
Hội nghị đã giới thiệu nội dung cơ bản của dự thảo quyết định ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giới thiệu Kế hoạch nội dung của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận và kiểm điểm một số công tác pháp chế trọng tâm trong năm qua, trong đó có công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh; xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; kiểm soát thủ tục hành chính; phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là kiểm điểm việc kiện toàn tổ chức pháp chế và đội ngũ làm công tác pháp chế theo Nghị định 55.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và các kết quả đã đạt được của pháp chế các bộ, ngành trong năm qua. Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác pháp chế, Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, công tác pháp chế vẫn chưa đi vào thực chất, vẫn còn mang tính hình thức, chưa phục vụ đắc lực cho hoạt động quản lý, điều hành và giải quyết các công việc của Nhà nước, xã hội.
Các bộ, ngành tập trung cho công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, đặc biệt là thực hiện Kế hoạch 73 của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường thực thi Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh, không để tình trạng Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư.
Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm công tác cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu đổi mới, đơn giản hóa thủ tục, nhất là đối với các lĩnh vực đất đai, đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp… Các bộ, ngành, địa phương thực hiện dứt điểm việc kiện toàn, ổn định tổ chức pháp chế theo quy định tại Nghị định 55 của Chính phủ, trong đó chú ý bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác này.
Cho rằng công tác pháp chế có phạm vi rất rộng, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành khẩn trương rà soát tổng thể các luật, pháp lệnh hiện hành để sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới phù hợp với Hiến pháp 2013. Bộ Tư pháp tăng cường trách nhiệm trong việc hướng dẫn, kiểm tra công tác pháp chế, đào tạo cán bộ pháp chế, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế.
Phó Thủ tướng tin tưởng công tác pháp chế sẽ có nhiều tiến bộ, mang lại hiệu quả thiết thực trong quản lý Nhà nước, xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của từng ngành, địa phương.
 
 
 
 
Lê Sơn
Nguồn: chinhphu.vn
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)