• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
CPI tháng 3 chỉ tăng 0,15% 
(Chinhphu.vn) – Bất chấp “cú đúp” tăng giá xăng và điện, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 chỉ tăng 0,15% so với tháng trước; tăng 0,93% so cùng kỳ năm trước.
CPI tháng 3 của cả nước tăng 0,15% so với tháng trước

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 3 của cả nước tăng 0,15% so với tháng trước; tăng 0,93% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu so với tháng 12 năm trước thì CPI vẫn giảm 0,1%.
Như vậy, CPI bình quân quý I/2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,74%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 3 nhóm tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,36%); nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,16%); văn hóa, giải trí và du lịch (+0,18%).
Chỉ số giá các nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục hầu như không tăng.
Có 4 nhóm có chỉ số giá giảm, đó là đồ uống và thuốc lá (-0,11%), may mặc và mũ nón (-0,04%), giao thông (-0,31%) và bưu chính viễn thông (-0,02%).
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 3 tăng chủ yếu do chu kỳ tính CPI của tháng 3 còn ảnh hưởng bởi nhu cầu của Tết Nguyên đán nên giá mặt hàng thực phẩm tăng cao.
Bên cạnh đó, sau Tết Nguyên đán thường có nhiều lễ hội, nên giá ăn uống ngoài gia đình và văn hóa, giải trí và du lịch tăng theo.
Giá gas thế giới tăng làm cho giá gas trong nước điều chỉnh tăng 5.000đ/bình 12kg từ ngày 1/3 càng góp phần vào mức tăng chung của CPI tháng 3.
Đáng chú ý, tuy giá xăng, dầu trong nước tăng vào ngày 11/3 (mỗi lít xăng tăng 1.610đ; dầu diesel tăng 710đ/lít), nhưng do vẫn còn chịu ảnh hưởng của các đợt giảm giá trước đó, nên bình quân giá xăng, dầu tháng 3 giảm 0,81% so với tháng trước. Chính vì thế, giá xăng dầu tăng chỉ góp phần tăng CPI chung của tháng 3 khoảng 0,04%.
Không tính vào CPI, chỉ số giá USD tháng 3 tăng 1,26% do thông tin Fed sắp nâng lãi suất, trong khi phần còn lại của thế giới lại nới lỏng tiền tệ, do đó xu hướng nắm giữ đồng USD tăng lên, giá USD càng tăng giá hơn so với các ngoại tệ khác.
Diễn biến CPI ổn định, nhưng cần đề phòng rủi ro
Về CPI cả quý I, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê đánh giá: CPI quý I năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây. Cụ thể, CPI tháng 1 và 2 đều có mức giảm, tháng 3 tăng nhẹ, CPI bình quân mỗi tháng trong quý I có mức giảm nhẹ 0,03%.
CPI quý I giảm chủ yếu do giá xăng, dầu. Trong quý giá xăng dầu được điều chỉnh giảm giá 3 đợt vào ngày 22/12/2014, ngày 6/1/2015 và 21/1/2015; có 1 đợt vào ngày 11/3/2015.
Như vậy, bình quân quý I/2015 giá xăng dầu giảm 21,49% so với tháng 12/2014, nên chỉ số giá nhóm giao thông 3 tháng đầu năm giảm 8,48%, đóng góp 0,75% vào mức giảm chung của CPI so với cuối năm 2014.
Mặc dù trong quý I có Tết Nguyên đán, nhu cầu của các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng, nhưng do giá xăng dầu và giá cước vận tải giảm, nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân, nên giá lương thực, thực phẩm không tăng cao.
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống quý I/2015 (nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 11 nhóm hàng chính) chỉ tăng 1,17% so với tháng 12 năm trước, thấp hơn so với quý I của những năm trước (năm 2011 tăng 8,31%; năm 2012 tăng 2,29%; năm 2013 tăng 3,1%; năm 2014 tăng 0,95%).
Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán những năm gần đây thay đổi so với những năm trước (không mua dồn dập hàng hóa vào những ngày giáp Tết, không mua tích trữ vì ngày mồng 2 Tết đã có chợ) nên không tạo áp lực lên giá cả vào tháng Tết.
Đại diện Vụ Thống kê giá cho rằng, CPI quý I đang ở mức thấp, góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra.
Tuy nhiên, yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp, nhưng những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát, vì vậy các bộ, ngành chức năng cần theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Cùng với đó, Chính phủ và một số bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.  
 
 
Huy Thắng
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)