• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Cụ thể hóa tinh thần cải cách của Luật Đầu tư (sửa đổi) 

Ngày 20/5, tại TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư. Hội thảo thu hút sự tham gia và đóng góp nhiều ý kiến có giá trị từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các hãng luật khu vực phía Nam.

IMG
Doanh nghiệp là đối tượng áp dụng trực tiếp, nên mọi ý kiến của doanh nghiệp đều được Ban soạn thảo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư lắng nghe, ghi nhận với tinh thần cầu thị cao nhất
 Ảnh: Tất Tiên
Giữ trọn tinh thần của Hiến pháp về quyền tự do đầu tư
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ KH&ĐT cho biết: “Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư gồm có 6 chương, 78 điều và 3 phụ lục được Ban soạn thảo dành nhiều tâm huyết vì Nghị định này có vai trò nòng cốt chuyển tải tinh thần đổi mới, cải cách triệt để của Luật Đầu tư năm 2014. Vì vậy, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp (DN) vào quá trình xây dựng dự thảo Nghị định là vô cùng quan trọng. DN là đối tượng áp dụng trực tiếp, nên mọi ý kiến của cộng đồng DN đều được Ban soạn thảo lắng nghe, ghi nhận với tinh thần cầu thị cao nhất. TP.HCM và khu vực phía Nam là nơi tập trung nhiều DN lớn và năng động nhất của cả nước. Cộng đồng DN khu vực này cũng đã tham gia đóng góp rất nhiều ý kiến có giá trị sâu sắc đối với quá trình xây dựng dự thảo Luật Đầu tư năm 2014 và đến nay là dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật này. 
 
Ông Trần Hào Hùng cũng cho biết, kể từ ngày 1/7/2015, Luật Đầu tư năm 2014 chính thức có hiệu lực thi hành, thay thế Luật Đầu tư năm 2005, với nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt là các quy định về cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư. Thay đổi quan trọng nhất là việc tạo lập cơ sở pháp lý minh bạch để bảo đảm thực hiện nguyên tắc của Hiến pháp về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm thông qua các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư và đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do đó, nội dung quan trọng bậc nhất của dự thảo Nghị định chính là làm rõ những quy định này. Nỗ lực hiện thực hóa được tinh thần của Hiến pháp và của Luật Đầu tư năm 2014 được thể hiện trong dự thảo Nghị định sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững”.
IMG
Nguyên tắc thống nhất khi xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư là đặt doanh nghiệp làm trọng tâm và đánh giá cao quyền lợi của doanh nghiệp
 Ảnh: Nhã Chi
Theo đánh giá của các DN tại Hội thảo, dự thảo Nghị định đã hoàn thiện các quy định của Luật Đầu tư năm 2014 về ngành, nghề ưu đãi đầu tư cũng như các nguyên tắc, điều kiện áp dụng ưu đãi nhằm bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, tập trung vào các ngành sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, dự án sản xuất có quy mô lớn, dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng nhiều lao động, dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, dự án thực hiện trong các lĩnh vực xã hội hóa đầu tư (y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa…). Đáng chú ý, Phụ lục 2 của dự thảo Nghị định quy định Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư và Phụ lục 3 quy định về Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài đã cụ thể hóa địa bàn ưu đãi đầu tư có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của 54 tỉnh, thành phố và lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài.
 
Cải cách triệt để thủ tục đầu tư
Theo ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ KH&ĐT, thành viên Ban soạn thảo Dự thảo, nguyên tắc thống nhất khi xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư là đặt DN làm trọng tâm, đánh giá cao quyền lợi của DN; cải cách thủ tục hành chính gắn liền với việc nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư; hoàn thiện chế độ phân cấp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư; cải cách thủ tục đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài. “Mục đích là nhằm xây dựng một nghị định thực sự tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài”, ông Quách Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
 
Ông Hồ Xuân Thắng, Trưởng khoa Luật thuộc Đại học Sài Gòn chia sẻ: “Qua dự thảo Nghị định, lợi ích của nhà đầu tư đã thấy rõ. Các DN đều cho rằng, càng rút ngắn thời gian, thủ tục trong đầu tư càng có giá trị lớn đối với sự thành công của DN, cũng là sự thành công của một nền kinh tế. Tinh thần cải cách triệt để của Luật Đầu tư năm 2014 cũng như dự thảo Nghị định tạo thêm nhiều động lực cho cộng đồng DN”.
 
Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc VCCI, ông Đậu Anh Tuấn nhận định: “Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư là một văn bản quy phạm pháp luật có vai trò rất lớn, điều chỉnh các hành vi đầu tư kinh doanh nhằm mục đích sinh lời của các nhà đầu tư, đồng thời Nghị định cũng điều chỉnh hành vi quản lý hành chính của các tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tinh thần xây dựng dự thảo Nghị định đặt DN làm trọng tâm với những cải cách thủ tục hành chính cụ thể theo hướng thuận lợi cho DN nhận được nhiều đồng thuận từ cộng đồng DN trong nước và quốc tế”.
 
Tại Hội thảo, đại diện Công ty Luật Baker & McKenzie ghi nhận, từ góc độ thực hiện thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo Nghị định đã kết hợp 3 bước (chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) vào một quy trình khép kín. Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần nộp một bộ hồ sơ tại cơ quan đăng ký đầu tư thì các cơ quan cấp phép sẽ tiến hành các thủ tục này theo đúng trình tự thời gian luật định. Đây là một trong những cải cách thủ tục hành chính mang tính triệt để của dự thảo Nghị định nhằm cụ thể hóa tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư năm 2014”.
 
 
V.Huyền
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)