Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền làm việc tại Công ty cổ phần FSC trong Khu công nghiệp Nam Đồng Phú.
Đó là trao đổi Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước với DĐDN về kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh.
- Thưa bà, trong bối cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế Bình Phước vẫn tăng trưởng khá tốt?
Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhất là từ khi tỉnh ghi nhận ca dương tính đầu tiên vào ngày 30/6/2021, nhưng Bình Phước đã cơ bản phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng ở mức tăng trưởng khá, ước đạt 5,35%; sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao với 17,75%; thu ngân sách ước thực hiện 12.810 tỷ đồng, đạt 99% so với Nghị quyết điều chỉnh của HĐND tỉnh.
- Thưa bà, trong bối cảnh bình thường mới, Bình Phước đã đặt ra lộ trình phục hồi và phát triển kinh tế như thế nào?
Ngay từ khi ghi nhận ca dương tính đầu tiên, tỉnh Bình Phước luôn thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp khi phải vừa sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch. Từ đó, tỉnh đã kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách để hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn doanh nghiệp đang phải đối mặt; tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho tất cả công nhân trong và ngoài khu công nghiệp để các doanh nghiệp sớm phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Ở thời điểm hiện tại ( 24/11/2021) số ca dương tính trong tỉnh tiếp tục tăng nhanh; tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin của tỉnh mũi 1 đã đạt gần 97% và mũi 2 là gần 65%. Tỉnh đã sẵn sàng Kế hoạch để từng bước mở cửa, thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới khi tỷ lệ vắc xin được bao phủ rộng hơn nhằm thực hiện quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên từng lĩnh vực theo các nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh. Bình Phước đã và sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
- Việc phục hồi kinh tế được tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu cụ thể trước mắt ra sao, thưa bà?
Trên cơ sở tình hình thực tế và khả năng phấn đấu cao nhất khi các hoạt động của xã hội và sản xuất kinh doanh từng bước chuyển biến trong điều kiện bình thường mới, Bình Phước đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 tăng từ 7-7,5%; về cơ cấu kinh tế: tỷ lệ nông, lâm, thủy sản chiếm 22,8%, công nghiệp xây dựng 44,77%, dịch vụ chiếm 31,43%, trong đó kinh tế số chiếm 5%.
- Thưa bà, để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Bình Phước sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm nào?
Để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch năm 2022, Bình Phước sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chính sau đây:
- Tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời kịp thời xây dựng các giải pháp đảm bảo phù hợp với thực tế và khả thi trong tổ chức thực hiện. Trọng tâm là tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh; thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, phát huy tối đa các nguồn lực cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước phù hợp với thực tế đồng thời đảm bảo phấn đấu ở mức cao nhất theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của tỉnh đảm bảo thông thoáng, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo cơ hội, điều kiện hấp dẫn thu hút đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn.
- Thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển kinh tế số và xã hội số.
- Thúc đẩy phát triển liên kết vùng; khu kinh tế và phát triển đô thị; hoàn thành lập và phê duyệt quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ. Để thực hiện mục tiêu này, Bình Phước sẽ tập trung vào những giải pháp gì, thưa bà?
Để thích ứng với bối cảnh mới, đặc biệt là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, trong thời gian trước mắt, tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, lựa chọn ngành, lĩnh vực trọng tâm để phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh sẽ tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh sẽ ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, phụ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu, công nghệ thông tin... Chú trọng nâng cao trình độ công nghệ. Mở rộng và phát triển mới các khu, cụm công nghiệp.
Trong nông nghiệp, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và chuỗi giá trị, Bình Phước sẽ hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, theo hướng cụm, ngành, sản xuất hàng hóa tập trung, theo tiêu chuẩn an toàn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; tập trung vào ba nhiệm vụ trọng tâm, tạo vùng nguyên liệu, chế biến, liên kết chuỗi…
Tỉnh cũng tập trung vào các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, giáo dục, đào tạo, y tế, lưu trú, giải trí, du lịch... Thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ nông thôn, phát triển thương mại vùng biên giới, nâng cấp và phát triển một số cửa khẩu.
Về kết cấu hạ tầng, Bình Phước ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông kết nối liên vùng; phát triển hệ thống đường giao thông liên huyện; đảm bảo việc duy tu, bảo dưỡng các tuyến giao thông trên địa bàn. Phát triển hệ thống bến bãi, cảng cạn, cầu vượt. Ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số, trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển mạng lưới truyền tải điện vào nhà máy, khu, cụm công nghiệp, phục vụ cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân…
Tỉnh tiếp tục tập trung phát triển đô thị theo hướng kết nối, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại. Tập trung đầu tư hạ tầng thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long và phát triển huyện Chơn Thành trở thành thị xã, tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Người đăng: BQV