• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Để thực hiện mục tiêu kinh tế, ngân sách 2014 Tin có hình

(Chinhphu.vn) - Ngày 11/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch ngân sách năm 2014. Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm của người viết nhìn nhận việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, ngân sách năm 2014 trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được trong năm 2013.

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô

Kinh tế vĩ mô gồm nhiều nội dung, nhưng những nội dung chủ yếu được đề cập ở đây là các cân đối kinh tế lớn: cán cân thương mại và cân đối ngân sách Nhà nước.
Nguồn: Báo cáo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội
Ước cán cân thương mại năm 2013 đạt được những kết quả tích cực, khi xuất khẩu tăng cao hơn, nhập khẩu tăng thấp hơn, tỷ lệ nhập siêu thấp. Mục tiêu của kế hoạch năm 2014 là xuất khẩu tăng thấp hơn, tỷ lệ nhập siêu cao hơn, theo đó nhập khẩu tăng cao hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể thực hiện mục tiêu này được một cách dễ dàng...
Tuy mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2014 chỉ tăng 10%, thấp hơn tốc độ tăng 14,4% của năm 2013, nhưng do quy mô tuyệt đối của năm 2013 đã đạt 131 tỷ USD, nên kim ngạch xuất khẩu tăng 10% sẽ tương đương tăng 13,1 tỷ USD, một mức mà trong mấy chục năm qua chúng ta mới chỉ có vài ba năm đạt được.
Các mặt hàng xuất khẩu nông-lâm-thủy sản, than đá, dầu thô, hàng gia công khó có thể giúp gia tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu... Do vậy, cần tập trung vào các mặt hàng tinh chế, nhất là các mặt hàng kỹ thuật-công nghệ cao, trong đó những mặt hàng như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng... trên cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, đưa nhanh các dự án mới vào sản xuất.
Về thị trường xuất khẩu, do tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại lớn vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, nên các DN cần mở rộng các thị trường châu Phi, Đông Âu, Trung-Nam Á, Nam Mỹ...
Tỷ lệ nhập siêu theo kế hoạch 2014 lên đến 6%, tương đương 8,6 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức ước 0,5 tỷ USD của năm 2013 và kim ngạch nhập khẩu sẽ lên đến gần 153 tỷ USD, tăng tới 16% so với năm 2013. Mặc dù nhu cầu ở trong nước tăng lên, song có thể cũng như 2 năm trước, với tổng cầu còn yếu, khả năng nhập khẩu và nhập siêu cũng sẽ không đến mức lớn như kế hoạch đề ra.
Cân đối ngân sách Nhà nước vẫn tiếp tục gặp khó khăn, với GDP đạt khoảng 4,23 triệu tỷ đồng, với dự toán tổng thu là 782,7 nghìn tỷ đồng thì tỷ lệ thu ngân sách nhà nước/GDP sẽ là 18,5% - thấp xa so với tỷ lệ tương ứng của các năm trước (trên dưới 23%). Vấn đề đặt ra, bên cạnh việc thực hiện chủ trương “khoan thư sức dân”, “nuôi dưỡng nguồn thu”, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc chống thất thu do buôn lậu trốn thuế, chuyển giá, chống nợ đọng, đồng thời tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả đầu tư...
Ảnh: TTXVN
Kiểm soát lạm phát
 
Mục tiêu tổng quát của năm 2014 là “kiểm soát lạm phát”, có “nhẹ hơn” so với mục tiêu của năm trước là “kiềm chế lạm phát”. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng không dễ dàng. CPI năm 2013 ước tăng 7%, là năm thứ hai liên tiếp tăng thấp tức là không lặp lại chu kì “2 năm cao, 1 năm thấp”, nên khả năng tăng thấp liên tiếp trong năm thứ 3 là khó diễn ra. Chi phí đẩy - một yếu tố quan trọng của lạm phát - được dự đoán có thể sẽ tăng kép nếu giá hàng nhập khẩu tính bằng USD tăng lên, lại thêm tỷ giá VND/USD tăng, khi hai chỉ tiêu này đã giảm và tăng thấp trong hai năm liên tiếp.
Cầu kéo, bao gồm đầu tư và tiêu dùng, sau 2-3 năm tăng thấp đang có xu hướng tăng cao lên. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP năm 2013 ước đạt 29,2%, theo kế hoạch năm 2014 tăng lên đạt mức 30%.
Tiêu dùng, trong đó bộ phận lớn nhất là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, sau khi loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng đã có xu hướng tăng cao lên từ cuối năm 2013.
Một yếu tố khác trực tiếp làm cho lạm phát bộc lộ ra là sự nới lỏng tiền tệ và tài khóa. Về tiền tệ, đó là tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán thường cao hơn tốc độ tăng huy động tiền gửi. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng tăng cao lên từ những tháng cuối năm 2013 và có xu hướng cao lên theo định hướng trong năm 2014. Lãi suất cho vay đã thấp xuống, đối với một số đối tượng đã trở về mức trước năm 2007. Đối với tài khóa, bội chi ngân sách tăng lên cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ so với GDP. Việc triển khai các quy định pháp luật về thuế mới được Quốc hội thông qua, nhất là việc hoàn thuế giá trị gia tăng... cũng sẽ tác động đến lạm phát. Cùng với đó là việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với giá điện, than, dịch vụ tiêu dùng, y tế, giáo dục.
Một yếu tố cơ bản, tiềm ẩn và cũng là nguyên nhân sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Đây là vấn đề quan trọng hơn cả lượng vốn, số lượng lao động. Ngoài ra, cần quan tâm đến sự cộng hưởng của các yếu tố trên, nhất là sự cộng hưởng của tâm lí, tuy không phải là yếu tố kinh tế nhưng trong nhiều trường hợp, tác động còn lớn hơn cả yếu tố kinh tế.
Ảnh: TTXVN
Tăng trưởng hợp lý
 
Tăng trưởng kinh tế đã có xu hướng cao lên qua các quý và tính chung năm 2013 ước tăng 5,4%. Theo đó, mục tiêu tăng 5,8% của năm 2014 vừa có tính tích cực, vừa có tính khả thi.
Tính tích cực thể hiện ở chỗ là tiếp tục  đà cao lên của năm 2013, là “thoát đáy, vượt dốc đi lên”; là tạo tiền đề vật chất, tạo nguồn lực để thực hiện 3 đột phá chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế để thực hiện các mục tiêu về xã hội; là tiền đề để tăng trưởng cao lên trong các năm sau...
Tính khả thi thể hiện ở chỗ tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP cao hơn, tăng trưởng tín dụng cao hơn, tỷ lệ tổng thu ngân sách/GDP thấp hơn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Tuy nhiên, việc thực hiện tăng trưởng hợp lý (tăng 5,8%) như trên cũng không dễ dàng.
Ở đầu vào, khó khăn về vốn đầu tư vẫn còn rất lớn, trong đó nổi lên là tâm lý “co cụm, thủ thế”. Tâm lý này diễn ra khá phổ biến với nhiều chủ thể trên thị trường. Các ngân hàng thương mại vẫn rất e ngại trong việc cho vay do sợ rủi ro, vẫn có xu hướng mua trái phiếu chính phủ mặc dù lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay; một số ngân hàng thương mại thời gian này, thời gian khác còn đầu tư vào vàng, vào USD, do không cho vay được. Các doanh nghiệp làm ăn có hiệu qủa nhưng chưa muốn vay; các doanh nghiệp thiếu vốn hoạt động, nhưng lại vướng vào nợ xấu hoặc tồn kho sản phẩm còn cao nên ngân hàng thương mại ngại cho vay. Ngay cả người tiêu dùng mặc dù lãi suất cho vay, nhất là cho vay mua bất động sản đã thấp hơn nhưng vẫn chưa vay do chờ giá xuống.
Ở đầu ra, khó khăn nhất vẫn là khâu tiêu thụ. “Thắt lưng buộc bụng” vẫn là tâm lý phổ biến đối với người tiêu dùng, đặc biệt là những người gặp khó khăn do sản xuất kinh doanh bị ngừng hoặc thu hẹp, do gặp thiên tai, dịch bệnh... Mặc dù tốc độ tăng tồn kho đã thấp xuống, nhưng vẫn tăng và nếu tính tích lũy so với thời điểm bình thường trước đây vài, ba năm vẫn rất cao...

 

Minh Ngọc

Nguồn: chinhphu.vn

[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)