• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Đề xuất bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư 

Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, mục tiêu tạo môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi và minh bạch hơn được thể hiện rõ trong Dự thảo Luật Đầu tư đang được hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong tuần này.

Thưa ông, đề xuất bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư với hầu hết dự án được xem như một ví dụ cho sự cải thiện môi trường kinh doanh của Dự thảo Luật Đầu tư?
 
  Đề xuất bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư  
  Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
 
Bãi bỏ thủ tục này, trừ một số dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, là một trong 5 nội dung mới, sẽ tạo nên thay đổi lớn trong môi trường đầu tư của Việt Nam khi Dự thảo được Quốc hội thông qua.
Quy định này một mặt giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, mặt khác xóa bỏ chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan quản lý.
Cũng phải nói thêm, để đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng này, Dự thảo Luật Đầu tư đã quy định rõ quy trình thực hiện dự án, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý ở địa phương trong việc hỗ trợ nhà đầu tư chuẩn bị dự án đầu tư.
Theo đó, một số công việc liên quan đến xác định địa điểm đầu tư trước đây nhà đầu tư phải thực hiện, thì nay thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý ở địa phương, như cung cấp thông tin về địa điểm đầu tư.
 
Những điểm mới tiếp theo là gì, thưa ông?
 
Điểm mới nữa là xóa bỏ phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài, tạo mặt bằng pháp lý bình đẳng về quyền thành lập doanh nghiệp và thực hiện hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Theo đó, trừ một số hạn chế về tỷ lệ vốn góp và phạm vi hoạt động theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài được quyền thành lập tất cả loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp; được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam với tỷ lệ sở hữu không hạn chế và thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định áp dụng thống nhất đối với nhà đầu tư trong nước.
Một điểm mới quan trọng khác nhằm minh bạch hóa các lĩnh vực đầu tư có điều kiện đang được quy định thiếu cụ thể, gây rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, đó là quy định về việc công bố công khai danh mục các lĩnh vực đầu tư có điều kiện và điều kiện đầu tư áp dụng đối với từng lĩnh vực phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nội dung công bố gồm: lĩnh vực, điều kiện áp dụng, căn cứ áp dụng và cơ quan có thẩm quyền quản lý.
 
Ngoài ra, Dự thảo Luật còn bổ sung một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện dự án đầu tư cũng như công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, đổi mới quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài...
 
Liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài, họ đang chờ đợi một khái niệm nhà đầu tư nước ngoài rõ ràng được đưa ra, thưa ông?
 
Việc xác định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài/doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là nhằm áp dụng điều kiện, thủ tục đầu tư cho nhà đầu tư/doanh nghiệp đó. Để tạo cơ sở pháp lý áp dụng thống nhất quy định về vấn đề này, Dự thảo quy định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài căn cứ vào quốc tịch, nơi đăng ký thành lập của cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng như tỷ lệ sở hữu, mức độ tham gia quản lý của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: cá nhân nước ngoài; tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài; tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam có cá nhân, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên, công ty hợp danh có cá nhân nước ngoài làm thành viên; tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam có tổ chức, cá nhân nước ngoài nêu trên nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
 
Quy định mới này có ảnh hưởng đến các điều kiện đầu tư, kinh doanh mà các nhà đầu tư nước ngoài đang áp dụng không, thưa ông?
 
Quy định nêu trên thực chất chỉ là pháp điển hóa quy định đã được thừa nhận trong Luật Đầu tư hiện hành cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, việc thực hiện quy định này, về cơ bản, không làm thay đổi các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.
 
Trong bối cảnh có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư - kinh doanh cùng được sửa đổi, ban hành, lo ngại chồng chéo từ các nhà đầu tư cũng đã xuất hiện, thưa ông?
 
Trong quá trình soạn thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức rà soát, đối chiếu các quy định của Dự thảo với các luật liên quan để xác định rõ mối quan hệ và nguyên tắc áp dụng giữa các luật. Kết quả rà soát cho thấy, những nội dung của Dự thảo này đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ với các luật liên quan.
Ví dụ, Luật Đầu tư điều chỉnh chung về hoạt động đầu tư, nhưng xác định rõ hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán.
Hay trong quan hệ với Luật Đất đai, các quy định của Luật Đầu tư liên quan đến điều kiện, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, thời hạn thực hiện dự án đầu tư... được thiết kế phù hợp với quy định tương ứng của Luật Đất đai…
 
 
 
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)