• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Đề xuất quy định mới về thành lập doanh nghiệp 
(Chinhphu.vn) – Tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất quy định mới về thành lập doanh nghiệp và đăng ký doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay ở nước ta đã được cải thiện nhiều và cơ bản so với trước đây. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét, tiếp tục cải cách.
Cụ thể, so sánh quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Xét về mức độ phức tạp và tốn kém về chi phí tuân thủ, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh năm 2013 của nước ta vẫn ở thứ hạng thấp, đứng thứ 106 trên 180 quốc gia và nền kinh tế. Vì vậy, yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm số hồ sơ và thủ tục, giảm thời gian và chi phí để nâng cao mức xếp hạng về năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, còn có sự khác biệt không cần thiết về thủ tục thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp, thủ tục mở chi nhánh, văn phòng đại diện, thay đổi địa điểm trụ sở chính, chuyển nhượng vốn... giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các thủ tục nói trên áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phức tạp hơn, khó khăn và tốn kém hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước.
Thêm vào đó, quy định hiện nay chưa tách biệt rõ giữa yêu cầu thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Luật đã yêu cầu phải có một số điều kiện kinh doanh như bản sao chứng chỉ hành nghề của người quản lý và xác nhận về vốn pháp định tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp. Quy định nói trên đã tỏ ra không hợp lý, không có hiệu lực quản lý nhà nước, nhưng lại gây ra khó khăn, tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư và thành lập doanh nghiệp mới.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cách thức và yêu cầu đăng ký ngành nghề đăng ký kinh doanh theo mã ngành kinh tế quốc dân là chưa thật hợp lý, chưa đảm bảo nguyên tắc “doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, hoặc không hạn chế”, gây thêm phiền hà, tăng thêm rủi ro, chi phí tuân thủ  cho doanh nghiệp.
Vì vậy, tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất sửa đổi 15 Điều, bổ sung thêm 5 Điều mới và bãi bỏ một Điều của Luật doanh nghiệp 2005.
Các nội dung sửa đổi cơ bản bao gồm: Tách bạch giữa thành lập doanh nghiệp và giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp như chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định; tiếp tục đơn giản hóa yêu cầu hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, như: đơn giản hóa nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bộ đề xuất bổ sung áp dụng thống nhất các thủ tục của Luật Doanh nghiệp về thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đồng thời, xác định rõ quyền thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài theo nguyên tắc không hạn chế tỷ lệ phần vốn góp hoặc cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam trừ trường hợp bị hạn chế theo pháp luật chuyên ngành và cam kết quốc tế.
Bổ sung quy định hướng dẫn thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp một cách rõ ràng hơn và theo nguyên tắc là thủ tục thông báo.
Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý dự thảo tại đây.
 
 
 
 
Thanh Hoài
Nguồn: chinhphu.vn
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)