Tại Việt Nam, tổng tài sản nhà nước do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ lên tới 80% GDP
Ảnh: Lê Tiên
Báo cáo “Doanh nghiệp nhà nước: Ràng buộc ngân sách, khung khổ quản trị và biến dạng thị trường” do CIEM thực hiện nhận định, DNNN vẫn có vị trí quan trọng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho biết, DNNN đang chiếm 15% GDP của châu Phi, 8% GDP của châu Á và 6% GDP của Mỹ La tinh. Quy mô tài sản của các DNNN ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) tương đương 15% GDP. DNNN chi phối và cung cấp nhiều dịch vụ quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội như: kết cấu hạ tầng, tài chính, dầu khí…
Nhận xét về những lợi thế của DNNN, Báo cáo của CIEM chỉ rõ, các DNNN có những lợi thế trong tiếp cận tài chính, chủ sở hữu DNNN cũng là người điều tiết thị trường, DNNN được tài trợ khi khó khăn và cả khi phá sản.
Chính vì vậy, Báo cáo đưa ra khuyến nghị, phải luôn luôn có những đòi hỏi để DNNN phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, tránh làm méo mó, biến dạng thị trường.
Tại Việt Nam, Báo cáo chỉ ra, hiện tổng tài sản nhà nước do DNNN nắm giữ lên tới 80% GDP. Mặc dù đến nay hệ thống pháp luật đã nỗ lực đặt DNNN trong một khung khổ chung với doanh nghiệp tư nhân, song việc thực thi và ứng xử của các chủ thể vẫn tạo ra những ưu thế, đặc quyền, đặc lợi cho một bộ phận DNNN trong nhiều lĩnh vực. Đơn cử như tạo ra rào cản kỹ thuật đối với doanh nghiệp tư nhân, tạo lợi thế cạnh tranh trong phân bổ nguồn lực, giải cứu nhiều DNNN… Chính những nguyên nhân này đã làm biến dạng, méo mó thị trường, cản trở sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, tạo cạnh tranh không bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân.
Nhiều chuyên gia kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thống nhất khung khổ hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp, không phân biệt nguồn gốc chủ sở hữu
Ảnh: TH
Thông tin thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, nguồn gốc làm phát sinh biến dạng thị trường chính là do bất hợp lý trong khung khổ quản trị của doanh nghiệp. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, những hình thức biến dạng thị trường chủ yếu trên thực tế thời gian qua xảy ra ở cả 3 khâu quan trọng: gia nhập thị trường, hoạt động trên thị trường và rút khỏi thị trường của DNNN. Đơn cử là các DNNN hoạt động trên thị trường được ưu tiên tiếp cận vốn vay, cấp vốn từ ngân sách nhà nước, có ưu thế tiếp cận đất đai; thậm chí nếu DNNN không trả được nợ thì được giãn nợ, khoanh nợ, gia hạn, xóa nợ… Hệ quả của việc làm này là không ít DNNN vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc chi tiêu và kỷ luật tài chính. Chẳng hạn như: DNNN cấu kết, thông đồng, thông thầu nhằm tạo ra sự chênh lệch để tư lợi, cấu kết với bên mua, bên bán để nâng hoặc giảm giá và tư lợi từ “hoa hồng” hay “lại quả”… Tuy nhiên, khi các DNNN vi phạm thì lại rất ít khi bị xử lý, nếu có thì cũng không kịp thời, nên để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, hệ thống giám sát kém hiệu quả khiến các chủ thể không nắm được tình hình hoạt động của DNNN, thiếu cảnh báo và ngăn ngừa những yếu kém của khối doanh nghiệp này trong sản xuất kinh doanh dẫn tới sai lệch thông tin và quan hệ thị trường.
Đồng tình cao với nghiên cứu trên, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, muốn tái cơ cấu kinh tế thành công, trong đó có tái cơ cấu DNNN thì cần có yêu cầu sâu hơn trong việc hoàn thiện khung khổ theo dõi, giám sát, đánh giá, công khai minh bạch thông tin, minh bạch hoạt động của DNNN.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN Việt Nam trong thời gian tới, tại Hội thảo, nhiều đại biểu kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thống nhất khung khổ hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp, không phân biệt nguồn gốc chủ sở hữu, đổi mới mô hình cơ quan chủ sở hữu, áp đặt kỷ luật tài chính và cơ chế ràng buộc ngân sách cứng…
Trung Hiếu
Người đăng: T.An