• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Đơn giản hóa thành lập DN, nhưng phải thắt chặt “hậu kiểm” 

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng tiếp tục đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục thành lập DN nhưng cần quy định chặt chẽ từ khâu “tiền kiểm” và siết khâu “hậu kiểm” để tìm bằng được DN "ma" và xử lý, nhằm thúc đẩy DN làm ăn chân chính phát triển.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng  Luật DN

hiện hành quy định thông thoáng trong khi thành lập. Ảnh VGP/Lê Sơn

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo Bộ Kế hoach và Đầu tư (cơ quan soạn thảo), một trong những thay đổi quan trọng trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là đổi mới phương thức quản lý Nhà nước đối với DN trên nguyên tắc DN được quyền chủ động kinh doanh tất cả những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế.

Để thực hiện được nguyên tắc này thì đòi hỏi danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng phải được xác định rõ ràng, cập nhật, công bố công khai để mọi DN dễ dàng nhận biết và thực hiện.
Do đó, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung Khoản 4 Điều 7 nhằm xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong tập hợp, công bố và cập nhật danh mục các ngành, nghề  kinh doanh bị cấm, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng do luật, pháp lệnh hoặc nghị định quy định trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước.
Về thủ tục thành lập và khởi sự kinh doanh, thuyết minh của cơ quan soạn thảo nhìn nhận, thực tế cho thấy những cải cách đơn giản hóa thủ tục thành lập DN theo Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005 đã tạo ra bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, huy động vốn, phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng đóng góp cho ngân sách. Tuy vậy, xét theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, mức độ thuận lợi trong thành lập DN và khởi sự kinh doanh vẫn thấp hơn chuẩn mực trung bình của quốc tế. 
Vì vậy, Bộ KHĐT cho rằng cần phải sửa đổi Luật theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, giảm thủ tục, giảm thời gian đăng ký thành lập DN và khởi sự kinh doanh; kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký DN với các thủ tục về thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, thảo luận về vấn đề này sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định thông thoáng khi thành lập DN, nhưng do khâu “hậu kiểm” không tốt dẫn đến gian lận thương mại, thực hiện không đúng cam kết, đặc biệt là DN kinh doanh có điều kiện làm ô nhiễm môi trường, rác thải, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Tán thành với quan điểm trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị cần có chế tài xử lý nghiêm những DN gây ra các hậu quả cho cộng đồng xã hội.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Văn Đương lại cho rằng, các quy định về thành lập DN quá thông thoáng, nhất là ngành nghề kinh doanh thương mại. Trong đó, không ít DN thành lập ra để trục lợi như in hoá đơn, hoàn thuế giá trị gia tăng, kinh doanh chụp giật, làm hại DN làm ăn chân chính.
Các đại biểu thảo luận dự thảo Luật DN (sửa đổi). Ảnh VGP/Lê Sơn
Trên cơ sở đó, đại biểu Đương đề nghị quy định chặt chẽ  từ khâu “tiền kiểm” và “hậu kiểm”  để tìm bằng được DN "ma" và xử lý nhằm thúc đẩy DN làm ăn chân chính phát triển.
Bên cạnh đó, đại biểu Đương cũng kiến nghị, DN Nhà nước chỉ tập trung làm những lĩnh vực mà tư  nhân không làm được, chứ cứ để các dịch vụ công ích cho công ty Nhà nước làm dẫn đến độc quyền, tắc trách, làm ăn kém hiệu quả. Do đó, cần xã hội hoá đối với các lĩnh vực mà tư nhân có thể làm được.
Đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM) nêu hiện tượng nhiều DN xã hội lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để lập DN xã hội hay công ích để trục lợi để hưởng các ưu đãi, chính sách đầu tư, vay vốn… Đây là các vấn đề mà dự luật sửa đổi lần này phải lường trước để quy định chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, theo điều tra sơ bộ của Bộ KHĐT, thời gian gần đây ở nước ta, số DN xã hội đã ngày càng gia tăng và hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế. Đây là DN mà lợi nhuận thu được chủ yếu dùng để tái đầu tư giải quyết vấn đề xã hội hoặc môi trường.
Hiện tại ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng có khoảng vài trăm DN xã hội hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo nghề, chăm sóc các nhóm người yếu thế, giải quyết các vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường và xóa đói, giảm nghèo…
 
 
 
 
Lê Sơn
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An
 
 

 

[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)