• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Dự kiến đạt 13/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014 
Với kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, ước thực hiện cả năm 2014, sẽ có 13/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2014 đạt kế hoạch, chỉ duy nhất chỉ tiêu lao động qua đào tạo là không “về đích”.
IMG
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (đứng) thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo của
Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/10
Ảnh: Nhàn Sáng
 
Trên đây là dự báo được thể hiện tại Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/10.
 
Tăng trưởng GDP có thể đạt cao hơn kế hoạch
Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2014 tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. kinh tế 9 tháng đầu năm tăng trưởng 5,62%, cao hơn so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2013 (5,14%). 
 
Ước thực hiện cả năm 2014, tốc độ tăng GDP sẽ đạt trên 5,8% (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5,8%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm dự kiến sẽ dưới 5%, khoảng từ 4,5 đến 4,6% (chỉ tiêu Quốc hội là 7%); tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 12,1% (chỉ tiêu Quốc hội là 10%);…
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thông tin thêm, nếu như theo dự báo của Bộ Công Thương là năm nay sẽ vượt trên 1 triệu tấn dầu thô khai thác và xuất khẩu, 10,5 triệu tấn than khai thác và xuất khẩu, đồng thời nếu dự báo về tăng trưởng nông nghiệp và khu vực dịch vụ không giảm sút, thì GDP năm 2014 có thể tăng 5,97%.
 
Về mục tiêu tổng quát của năm 2015, Chính phủ tiếp tục xác định mục tiêu hàng đầu là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014… Dự kiến, GDP năm 2015 tăng khoảng 6,2%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 5%; CPI tăng khoảng 5%.
 
Báo cáo của Chính phủ cũng dự báo kết quả thực hiện GDP bình quân của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 là 5,8%, không đạt kế hoạch đã được Quốc hội thông qua. Tính chung trong số 20 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm, dự kiến có 16 chỉ tiêu xấp xỉ, đạt và vượt kế hoạch, chiếm 80% tổng số chỉ tiêu được đánh giá; 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: tốc tăng trưởng kinh tế, tổng vốn đầu tư phát triển, tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách, tỷ lệ lao động qua đào tạo.
 
Cũng trong ngày 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014 và kế hoạch năm 2015. Theo báo cáo của Chính phủ, ngân sách nhà nước năm 2015 sẽ còn khó khăn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở. Về vấn đề tăng lương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, hiện còn hai luồng ý kiến. Một số ý kiến cho rằng, cần tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống cho một bộ phận cán bộ, công chức thu nhập thấp trong bộ máy hành chính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình với kiến nghị của Chính phủ, trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, năng suất lao động thấp, tăng lương cơ bản sẽ kéo theo áp lực tăng chi ngân sách lớn nên cần cân nhắc để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách. Phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý báo cáo của Chính phủ không nên nói “cứng” là không tăng lương mà cần phải tính toán thêm, nhất là phải tính lại cơ cấu chi cho hợp lý.
Cân nhắc mục tiêu tổng quát của năm 2015
Thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và 4 năm 2011 - 2014; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, về một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội hiện có những luồng ý kiến khác nhau, cần có đánh giá sâu sắc, sát thực hơn cả mặt tích cực và tiêu cực. Cụ thể là: Tổng mức đầu tư toàn xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội là “khoảng 33,5 - 35% GDP”. Theo báo cáo của Chính phủ thì năm 2014 là 30,1%, kế hoạch năm 2015 là 27,7% và dự báo 5 năm là 30,1%. so với kế hoạch 5 năm thì chỉ tiêu này đạt mức quá thấp, phản ánh môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn, chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư. Tích lũy đầu tư được cân bằng, nhưng vẫn phải vay để chi đầu tư, cho thấy một phần không nhỏ tích lũy đã không được chuyển vào đầu tư sản xuất kinh doanh và chưa có giải pháp huy động, thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển, tạo ra công trình chất lượng tốt với giá thấp hơn.
 
Một số ý kiến cũng đánh giá, xuất siêu lớn vẫn là các hàng hóa gia công, lắp ráp của khối doanh nghiệp FDI với máy móc, thiết bị, trình độ khoa học công nghệ tương đối thấp và trung bình, giá trị gia tăng tạo ra không cao, những tác động đến xã hội, môi trường còn chưa được đánh giá đầy đủ. Dù năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu, nhưng báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá rõ đây là kết quả của chuyển dịch cơ cấu kinh tế hay chỉ là hiện tượng nhất thời do đóng góp mạnh mẽ mang tính đột biến của khu vực FDI (nhất là doanh nghiệp lớn như Sam sung) hay do khó khăn của doanh nghiệp trong nước làm cho nhập khẩu suy giảm.
 
Bên cạnh đó, chỉ tiêu CPI cả năm 2014 dự kiến chỉ tăng 4,5%-4,7% là đạt kế hoạch, nhưng một số ý kiến cho rằng kết quả này là biểu hiện các chính sách kinh tế có phần thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, việc làm, thu ngân sách, nợ xấu, tăng trưởng, làm giảm tổng cầu. 
 
Về mục tiêu tổng quát của năm 2015, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đề nghị trong thời gian tới không nên quá nhấn mạnh mục tiêu “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”, xem đây như là công việc thường xuyên của Chính phủ, mà cần tập trung “tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân”.
 
 
 
Cao Dung
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)